Chạy đua hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu quốc gia

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc xây dựng và đưa vào khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia cũng như phát triển kho dữ liệu mở được xem là những bước quan trọng để chuyển dần từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số.

“Xương sống” là dữ liệu

Tại “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” cũng chỉ rõ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) được xem là “xương sống” của Chính phủ số. Việc dễ dàng tiếp cận với các dữ liệu công nhưng “mở” sẽ giúp người dân và DN tăng sự thuận lợi cũng như giảm tải chi phí khi tham gia sử dụng dịch vụ công. Từ đó đẩy mạnh việc hoàn thiện xã hội số và kinh tế số.

Cán bộ UBND huyện Sóc Sơn và người dân truy cập Cổng dữ liệu quốc gia khi làm thủ tục hành chính. Ảnh: Phạm Hùng
Cán bộ UBND huyện Sóc Sơn và người dân truy cập Cổng dữ liệu quốc gia khi làm thủ tục hành chính. Ảnh: Phạm Hùng

Thời điểm hiện tại, trong 6 CSDLQG đã có 5 hệ thống (dữ liệu về dân cư, dữ liệu về đăng ký DN, dữ liệu về tài chính, dữ liệu về bảo hiểm và dữ liệu về thống kê - tổng hợp dân số) được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hệ thống CSDLQG về đất đai cũng đang được hoàn thiện với tiến độ cao và nhiều khả năng sẽ được đưa vào khai thác từ đầu năm 2023.

Đối với CSDLQG về dân cư đã thông tin của 99 triệu nhân khẩu trên toàn quốc (đạt hơn 99%), qua đó cấp hồ sơ định danh điện tử cho hơn 12 triệu công dân. CSDLQG về đăng ký DN hiện có hơn 1,4 triệu DN tham gia, được kết nối và chia sẻ tới 10 bộ ngành. CSDLQG về bảo hiểm quản lý gần 32 triệu hộ gia đình, với 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội và gần 84 triệu người tham gia bảo hiểm y tế…

Các CSDLQG nói trên được kết nối, tích hợp, chia sẻ và sử dụng qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Tính đến tháng 10/2022, thông qua NDXP, tổng số giao dịch đã đạt hơn 570 triệu, tăng hơn 3 lần so với cả năm 2021, trung bình hàng ngày có khoảng 1,9 triệu giao dịch. Theo ước tính, với mỗi giao dịch thực hiện thành công qua nền tảng này, người dân và DN sẽ tiết kiệm được khoảng 1.000 đồng.

Nói về vai trò của CSDLQG, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, trong thời gian qua việc hoàn thiện và đưa vào khai thác các hệ thống này là nỗ lực rất lớn của bộ, ngành. Hiện tại đã có hơn 90 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, DN kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Cùng với đó là 8 cơ sở dữ liệu (5 CSDLQG và 3 CSDL chuyên ngành) và 12 hệ thống thông tin đã kết nối, cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tích cực phát triển dữ liệu mở và mở dữ liệu, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng.

Xây dựng dữ liệu mở

Tương tự với CSDLQG, dữ liệu mở cũng được xem là yếu tố cốt lõi, quyết định có hay không việc chuyển đổi hoàn toàn từ chính phủ điện tử sang chính phủ số. Nguồn dữ liệu này không chỉ giúp Chính phủ minh bạch hơn thông qua việc công khai chi tiêu ngân sách, giải ngân đầu tư công mà còn tăng sự tiện lợi cho người dân, DN có thể dễ dàng truy cập và sử dụng. Nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu mở, Chính phủ đã xây dựng và cho vận hành cơ sở dữ liệu mở tại Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn/). Thông qua các hệ thống này, người dân và DN được phép truy cập vào các thông tin thuộc sở hữu của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo đánh giá, dữ liệu mở của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cả về số lượng cũng như nội dung hay chất lượng. Tính tới hiện tại, CSDLQG có hơn 10.605 tập dữ liệu. Trong đó, chủ đề có nhiều tập dữ liệu nhất lần lượt là xã hội với 9.989 tập, công nghệ với 117 tập. Các cơ quan cung cấp dữ liệu nhiều nhất là Đại học Quốc gia Hà Nội với 10.045 tập, tiếp đến là Bộ TT&TT với 142 tập, Bộ LĐTB&XH 107 tập… Nếu so sánh với các quốc gia khác trên thế giới thì kho dữ liệu mở của Việt Nam hiện quá nhỏ bé. Có thể kể đến như Mỹ với hơn 348.000 tập dữ liệu, Úc hơn 105.000 tập… nếu tính riêng ở Đông Nam Á cũng thua xa Indonesia với hơn 49.000 tập dữ liệu.

Do đó, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, sự “bắt tay” giữa chính quyền và DN công nghệ sẽ giải được bài toán của dữ liệu mở. Xét cả về trình độ công nghệ cũng như triển khai thực tiễn, DN trong nước hoàn toàn có thể giải được những bài toán tầm quốc gia như vậy. Điển hình trong số này có thể kể đến VNPT, đơn vị xây dựng hệ thống cho CSDLQG về dân cư. Mặc dù hệ thống này vô cùng phức tạp, phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe của Bộ Công an về bảo đảm an toàn, an ninh bảo mật cấp độ 4 và làm chủ công nghệ nhưng toàn bộ được hoàn thiện và đưa vào hoạt động chỉ trong vòng đúng 500 ngày.

Nói về dữ liệu mở, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, từ rất sớm Việt Nam đã nhận thấy tầm quan trọng của dữ liệu mở. Điều này thể hiện rõ nét qua, “Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định rất rõ dữ liệu là một loại tài nguyên mới, cơ quan nhà nước phải mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở để phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

 

Dữ liệu là một nguồn tài nguyên đặc biệt được sinh ra trong quá trình con người sử dụng công nghệ. Không như tài nguyên trong tự nhiên, tài nguyên dữ liệu càng dùng nhiều càng sinh ra nhiều, càng dùng nhiều càng tạo ra giá trị lớn, càng chia sẻ càng có sự cộng hưởng.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng