Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chạy đua vũ trang và phòng vệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết định mới đây của Chính phủ Nhật Bản về tăng cường vũ trang ngay lập tức đã bị Trung Quốc phản ứng quyết liệt.

 Cũng dễ hiểu vì chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước ở biển Hoa Đông trong năm 2013 nổi cộm hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh ấy, cả hai đâu có khác biệt gì nhau ở chỗ đối đầu không khoan nhượng và chạy đua vũ trang. Đối với Nhật Bản, phòng vệ ở quần đảo mà Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trên biển, trên đảo và cả trên không, chỉ là một mục đích. Một mục đích khác với tầm ảnh hưởng còn lớn hơn và ý nghĩa chiến lược lâu dài hơn là chuẩn bị về mọi phương diện, có nghĩa là về pháp lý, chính trị, dư luận xã hội trong nước và ngoài nước cũng như tiềm lực thực tế, để nhằm tới vai trò chính trị an ninh thế giới to lớn hơn.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kể từ khi trở lại cầm quyền đã không hề giấu giếm mục tiêu đó, không chỉ bằng những tuyên bố chính trị mà đã bằng cả những bước đi cụ thể. Chuyện mua sắm thiết bị quân sự hiện đại trị giá 232 tỷ USD chỉ là bằng chứng mới nhất. Chi ra số tiền lớn này, đồng nghĩa với việc tăng đáng kể ngân sách quốc phòng, chính phủ Nhật Bản dự định mua về máy bay không người lái phục vụ hoạt động trinh sát và tấn  công, tàu ngầm, xe lội nước, máy bay ném bom tàng hình, máy bay phản lực có khả năng cất cánh như máy bay lên thẳng, các hệ thống phòng thủ tên lửa... Tất cả đều tối tân và hiện đại nhất của Mỹ.

Trong chiến lược quân sự mới được thông qua, Chính phủ Nhật Bản cho biết, tình hình bất ổn trong khu vực đã gây ra nhiều mối đe doạ về an ninh, chủ quyền. Cho nên Nhật Bản cũng phải chạy đua vũ trang để phòng vệ. Nhưng ngoài ra thì tiềm lực quân sự ấy còn giúp Nhật Bản gây dựng vai trò chính trị và chính trị an ninh thế giới. Như vậy chẳng phải tiện lợi nhiều bề hay sao.