Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu bài bản tính toán kết quả hoạt động của toàn bộ khu vực này. Và để đo lường đầy đủ hơn quy mô của nền kinh tế, đánh giá đầy đủ hơn thu nhập của các tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh, Tổng cục Thống kê đang thực hiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Để hiểu rõ hơn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm xung quanh đề án này.
Ảnh minh họa |
- Thưa ông, Tổng cục Thống kê đang thực hiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát. Xin ông cho biết, mục đích của việc xây dựng đề án này? Và ông có thể nói rõ hơn về phạm vi hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát được xây dựng với mục đích đo lường đầy đủ hơn quy mô của nền kinh tế; đánh giá đầy đủ hơn thu nhập của các tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh; đánh giá sát thực hơn chỉ tiêu vĩ mô quan trọng của nền kinh tế như: năng suất lao động, các chỉ tiêu về thu chi ngân sách, nợ công; tỷ lệ vốn đầu tư và hiệu quả đầu tư của nền kinh tế.
Từ đó, đề xuất ra các định hướng, giải pháp, cơ chế quản lý của Nhà nước đối với các ngành kinh tế, các ngành nghề sản xuất kinh doanh, quản lý lao động; đề xuất các chính sách có liên quan để tạo mở rộng cơ sở thuế; chống thất thu thuế; đưa ra các giải pháp quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu phi mậu dịch qua biên giới; đồng thời, đưa ra giải pháp để từng bước chuyển hoạt động phi chính thức thành hoạt động chính thức của nền kinh tế.
Theo Thống kê của Liên hợp quốc, khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố, đó là: hoạt động kinh tế ngầm; hoạt động kinh tế bất hợp pháp; hoạt động kinh tế phi chính thức (hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát); hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.
Kinh tế ngầm bao gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp nhưng chủ cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động giấu giếm, không khai báo với mục đích trốn thuế, không nộp thuế thu nhập, không nộp thuế trị giá gia tăng hay với mục đích trốn đóng bảo hiểm xã hội, không thực hiện các quy định của Nhà nước về đảm bảo không vượt quá số giờ làm việc, hay đảm bảo mức lương tối thiểu cho người lao động, không thực hiện các quy định pháp lý của nhà nước về thực hiện chế độ báo cáo tài chính và chế độ báo cáo thống kê.
Thành tố thứ hai là hoạt động kinh tế bất hợp pháp bao gồm các hoạt động bị pháp luật cấm như buôn bán ma túy, hoạt động mại dâm, bao gồm cả hoạt động hợp pháp nhưng do các cơ sở sản xuất bất hợp pháp do không đăng ký kinh doanh thực hiện.
Thành tố thứ ba là hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát bao gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, thường không phân biệt giữa cơ sở sản xuất kinh doanh với hộ sản xuất kinh doanh cá thể; quan hệ lao động giữa chủ sử dụng lao động với người lao động thường trên cơ sở thỏa thuận tạm thời, không ký kết hợp đồng lao động, hoặc mối quan hệ sản xuất kinh doanh với hộ sản xuất không rõ ràng về vốn dùng cho sản xuất.
Thành tố thứ tư là hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu, tức là hộ gia đình tự sản xuất để tiêu dùng và tích lũy, chẳng hạn như tự trồng trọt, tự chăn nuôi phục vụ cho cuộc sống của họ, tự sửa chữa nhà ở.
Thành tố thứ năm là hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu cơ bản, thành tố này mang yếu tố thuần túy về thống kê.
- Theo một số chuyên gia kinh tế, quy mô kinh tế chưa được quan sát ở Việt Nam chiếm từ 25-30% GDP. Con số này hiện đang còn nhiều tranh cãi, quan điểm của ông thế nào ?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Hiện nay, ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu bài bản tính toán kết quả hoạt động của toàn bộ khu vực này. Riêng với hoạt động kinh tế phi chính thức đã được thu thập thông tin từ các cuộc tổng điều tra, điều tra của ngành thống kê và đã được tính toán vào kết quả sản xuất của các ngành kinh tế, cũng như đã tính vào chỉ tiêu GDP.
Trong năm 2007, được sự giúp đỡ của Cơ quan Phát triển của Pháp, Tổng cục Thống kê đã thực hiện nghiên cứu về việc làm phi chính thức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Thống kê đã đánh giá được tỷ lệ lao động phi chính thức ở hai trung tâm kinh tế này. Kết quả của việc làm phi chính thức đã được tính toán trong các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Đối với các hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập thông tin cơ bản, Tổng cục Thống kê đang tiến hành rà soát dựa vào kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 và Tổng điều tra kinh tế năm 2017. Hoạt động kinh tế ngầm và hoạt động bất hợp pháp, Tổng cục Thống kê chưa tính vì chưa có khả năng thu thập số liệu.
Một số chuyên gia kinh tế nói quy mô của khu vực kinh tế chưa được quan sát ở Việt Nam chiếm từ 25-30% GDP là không có cơ sở và do họ gộp cả hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ gia đình.
Đối với Việt Nam thì không phải như vậy bởi vì phần lớn hoạt động sản xuất của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản được thực hiện bởi hộ gia đình và Tổng cục Thống kê đã thu thập thông tin, tính toán kết quả hoạt động sản xuất của khu vực hộ gia đình.
Hiện nay, Tổng cục Thống kê chưa có đủ cơ sở để đánh giá quy mô của khu vực kinh tế chưa được quan sát chiếm bao nhiêu phần trăm trong GDP của toàn bộ nền kinh tế.
- Kinh tế ngầm được nhiều người hiểu rằng có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động kinh tế ngầm cũng có ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Hoạt động của kinh tế ngầm tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, gây bất lợi cho các tổ chức và cá nhân kinh doanh trung thực; không khuyến khích và thúc đẩy tính sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Mặt khác lao động làm việc ở khu vực kinh tế ngầm không được đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động, không đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước đối với người lao động.
Việc không thu thập, tính toán được kết quả hoạt động của kinh tế ngầm sẽ đưa ra số liệu thiếu chính xác về bức tranh thực của nền kinh tế, ảnh hưởng đến việc đánh giá tình hình, hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến việc đề ra giải pháp điều hành đất nước.
Tuy vậy, có một thực tế khách quan đó là kinh tế ngầm luôn tồn tại trong các nền kinh tế chưa có chế tài đủ mạnh và hiệu lực.
Trong thời gian tới Nhà nước tăng cường kiểm tra, giám sát, có biện pháp chế tài đủ mạnh để các thực thể sản xuất của nền kinh tế thực hiện đúng quy định của Nhà nước sẽ thu hẹp và dẫn tới từng bước chuyển kinh tế ngầm thành kinh tế chính thức.
- Một nền kinh tế phát triển lành mạnh khi tỷ lệ kinh tế ngầm, kinh tế chưa được quan sát/GDP giảm xuống. Theo ông, muốn giảm được kinh tế chưa được quan sát, kinh tế ngầm cần phải có những hành động cụ thể nào?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Để giảm khu vực kinh tế ngầm, kinh tế chưa được quan sát đòi hỏi nhiều hành động cụ thể của Chính phủ, các cơ quan quản lý cũng như việc tuân thủ pháp luật, quy định của các thực thể tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Kinh nghiệm của các nước khi môi trường pháp lý hoàn thiện, có chế tài đủ mạnh và thực thi nghiêm thì không có dư địa cho kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp hoạt động, vì vậy Chính phủ cần có các chế tài đủ mạnh và các ngành thực thi nghiêm để xóa bỏ hoạt động của kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp.
Chính phủ cần ban hành các chính sách, các quy định đồng thời có chế tài để khuyến khích các tổ chức và cá nhân đang hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức từng bước chuyển sang hoạt động trong khu vực kinh tế chính thức.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, ban hành chính sách và có giải pháp giảm thiểu các giao dịch kinh tế dùng tiền mặt, mọi hoạt động thanh toán thông qua thẻ của hệ thống ngân hàng; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân hiểu được trách nhiệm của mình trong việc cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin cho ngành thống kê trong các cuộc tổng điều tra, điều tra.
Các bộ, ngành và địa phương thực hiện tốt việc cung cấp và chia sẻ thông tin với ngành thống kê.
- Do tính chất phức tạp của các hoạt động kinh tế ngầm và hoạt động bất hợp pháp, Tổng cục Thống kê có đề xuất, kiến nghị gì khi tiến hành thực hiện việc đánh giá các hoạt động này?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Do tính chất phức tạp trong hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát, để đánh giá, thống kê được kết quả hoạt động của khu vực này, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao các Bộ ngành, địa phương trong phối hợp với tinh thần trách nhiệm và hiệu quả với ngành thống kê.
Đồng thời, Chính phủ cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện môi trường pháp lý, xây dựng và thực thi hiệu quả các chế tài đủ mạnh để ngành thống kê cùng với các bộ, ngành và địa phương có đủ điều kiện thực hiện thu thập thông tin đánh giá kết quả của khu vực kinh tế chưa được quan sát.
- Xin cám ơn ông!