KTĐT - Mặc dù vậy Mỹ vẫn là cường quốc và 5 nước tư bản lớn nhất thế giới trong cuộc gặp Plaza tại New York tháng 9/1985 vẫn quyết định đưa đồng USD lên vị trí đồng tiền đại diện mặc cho nó vượt quá tầm mức mà thực trạng nền kinh tế nước này có được.
Thế giới tư bản đã đồng lòng đón nhận sự ngự trị của đồng USD từ sau Thế chiến II bởi sức mạnh của nó không chỉ tương ứng với 80% dự trữ vàng thế giới thuộc quốc gia này quản lí mà hơn thế bởi sự năng động, sức bật mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất hành tinh đã đảm bảo cho sự ngự trị ấy.
Tuy nhiên trong thực tế Mỹ đã bất tín với thế giới vì tự in thêm tiền (từ năm 1965 đến năm 1971 theo các chuyên gia thì Mỹ đã in ra khoảng 40 tỉ USD). Từ sự việc này, thế giới tư bản đã kí hiệp ước Washington vào ngày 15/7/1971 qui định bãi bỏ chuyển đổi USD sang vàng chấm dứt hiệu lực của hiệp định Bretton Woods).
Cũng vào năm này, lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ bị thiếu hụt cán cân thương mại (2 tỉ USD). Thế rồi từ năm 1976 trở đi cán cân thương mại thiếu hụt liên tục tăng nghiêm trọng (từ 15 tỉ USD năm 1976 tăng lên 122,1 tỉ USD năm 1985). Và nợ nần của Chính phủ Mỹ cũng tăng lên triền miên (từ 45 tỉ USD năm 1977 tăng lên 212 tỉ USD năm 1985).
Mặc dù vậy Mỹ vẫn là cường quốc và 5 nước tư bản lớn nhất thế giới trong cuộc gặp Plaza tại New York tháng 9/1985 vẫn quyết định đưa đồng USD lên vị trí đồng tiền đại diện mặc cho nó vượt quá tầm mức mà thực trạng nền kinh tế nước này có được. Đó có phải là sự ưu ái trong hệ thống dành cho Mỹ?
Vâng, đó là tất yếu của tư bản và chỉ giản đơn là bởi vì Mỹ nằm trong hệ thống và đứng trên hệ thống. Mỹ biết vậy và họ vẫn in tiền để tiêu xài (cho đến những năm đầu thế kỉ này nợ của Chính phủ Mỹ đã tăng lên mức bốn con số - Năm 2009 dự báo con số này khoảng 1840 tỷ USD). Các nước khác như vậy sẽ là không thể được, còn Mỹ vẫn ung dung, như lời của Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney từ đầu nhiệm kì đã phát biểu với Tổng thống G.Bush rằng bài học của những năm 80 chính là: “Thâm hụt không phải là vấn đề!”
Đây có phải là sự tuyên chiến của Mỹ đối với thế giới trên lĩnh vực tiền tệ? Trên thực tế từ ngày mùng 5/5/2008, Iran đã chuyển giao dịch 80 tỉ USD bán dầu hàng năm sang đồng euro và đồng yen Nhật. Hành động này được cộng đồng châu Âu, châu Á hoàn toàn ủng hộ. Nga đã đề xuất IMF có thể phát hành đồng tiền mới được Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Venezuela đồng tình.
Ngày 23/3/2009, Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã kêu gọi thế giới cần có đồng tiền mới thay thế dần đồng USD. Sức ép dồn dập này tưởng chừng G20 sẽ phải đặt lên bàn hội nghị London nhưng không thành chỉ với một lí do đầy tính nhân văn: “Trong lúc này điều cần làm trước hết là cứu nền kinh tế thế giới” - đó là tuyên bố của G20.
Phải chăng điều này cũng là sự thích ứng hoàn hảo của chủ nghĩa tư bản? Mặc dù vậy, như giáo sư Eswar Prasad tại Đại học Comell (Mỹ) vẫn cho rằng: “Thực ra đây là vấn đề lớn và cực kì phức tạp không chỉ vì Mỹ vẫn là nước có nền kinh tế lớn nhất hành tinh và luôn luôn có lợi thế so sánh về tiềm lực quân sự như khẳng định của Tổng thống Obama. Đồng USD là cực kỳ vững mạnh và do đó Mỹ phản đối đề nghị của Trung Quốc”.
Mặt khác cộng đồng châu Âu và NATO vẫn luôn luôn sát cánh cùng Mỹ bởi sự bất biến trong tư tưởng đó là tư bản, cho dù giữa họ có những bất đồng. Bên cạnh đó IMF và WB mặc dù đã mất nhiều uy tín với thế giới nhưng vẫn là những thể chế tài chính quốc tế khó có ai thay thế. Hiện tại họ chưa sẵn sàng cho một đồng tiền quốc tế mới như Phó Tổng Giám đốc thường trực Quỹ Tiền tệ Thế giới, ông John Lipsky, đã nói rằng đề nghị của ông Chu là nghiêm túc và nhấn mạnh: “Tuy nhiên đây là một vấn đề dài hạn cần được nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng”.
Và giả sử họ chấp nhận gánh vác trọng trách này thì IMF vẫn không thể thoát được cái vòi bạch tuộc từ hai nền kinh tế đồ sộ nhất hành tinh là Mỹ và EU với gần 50% tổng GDP của thế giới. Ai có thể dám chắc họ công minh, chính trực với tất cả các nước trong tương lai? Những gì họ đã thể hiện trong quá khứ vẫn sẽ tiếp tục diễn ra vì tư bản tất yếu là thế!
Tuy nhiên trong 20 năm tới nếu nền kinh tế Mỹ dẫm chân tại chỗ hoặc phát triển ì ạch và hơn thế, Chính phủ Mỹ không giữ được uy tín của mình thì chính Mỹ chứ không phải ai khác, đặt dấu chấm hết cho sức mạnh của đồng USD.
Nhưng có một điều cũng thuộc về bản chất của chủ nghĩa tư bản là không bao giờ nó chịu đầu hàng một cách nhẹ nhàng. Bởi vậy thế giới không có một chiến lược với những bước đi khôn ngoan chắc sẽ không tránh khỏi một đại suy thoái mới - với nguyên nhân là do cuộc chiến tiền tệ và nó sẽ kinh hoàng hơn nhiều đại suy thoái và Thế chiến II của thế kỉ trước?