Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chỉ số cải cách hành chính năm 2016: Hà Nội xếp thứ 3

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 về phía địa phương là Đà Nẵng và Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu phía bộ ngành.

Chiều nay (30/5), tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chủ trì cuộc họp Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2017 và công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2016).
Theo đó, Chỉ số CCHC năm 2016 của các tỉnh, thành phố có giá trị trung bình đạt 74,64%, trong đó 30/63 đơn vị đạt kết quả trên giá trị trung bình. Việc phân loại Chỉ số này được chia thành 4 nhóm, gồm nhóm A có Chỉ số CCHC trên 90%, nhóm B từ 80% đến dưới 90%, nhóm C từ 70% đến dưới 80% và nhóm D có Chỉ số dưới 70%.
 Hà Nội xếp thứ 3 tại PAR INDEX 2016
PAR INDEX 2016 chỉ rõ, Đà Nẵng là địa phương duy nhất có kết quả Chỉ số thuộc nhóm A khi đạt được 90,32%. Có 13 địa phương thuộc nhóm B, 33 địa phương thuộc nhóm C và 16 địa phương thuộc nhóm D. Trong đó, Hà Nội xếp ở vị trí thứ 3 và Hậu Giang đứng cuối bảng xếp hạng, thấp hơn tới 27,77% so với Đà Nẵng.
Đáng chú ý, bảng xếp hạng trên được xây dựng trên 8 nhóm tác động, trong đó nhóm tác động của CCHC đến tình hình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức có tỷ lệ điểm trung bình cao nhất lên đến 85,77%. Từ đó có thể thấy, những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của các địa phương trong năm 2016 đã tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng quy định thủ tục hành chính, đơn giản hóa thành phần hồ sơ thủ tục hành chính và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để phục vụ người dân, tổ chức đến làm thủ tục hành chính.
Về phía bộ ngành, PAR INDEX 2016 được chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80% bao gồm 9 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước; Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhóm thứ hai có kết quả Chỉ số cải cách hành chính từ trên 70% đến dưới 80% gồm 10 đơn vị: Bộ Nội vụ; Bộ Y tế; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Dân tộc; Thanh tra Chính phủ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt là 80,94%, trong đó, Ngân hàng Nhà nước đứng thứ nhất với kết quả là 92,68% còn Bộ Lao động, thương binh và xã hội có kết quả thấp nhất với giá trị 71,91%, cách vị trí đứng đầu đến 20%.
Đánh giá về PAR INDEX 2016, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, đây là năm đầu tiên xác định chỉ số CCHC theo các tiêu chí thành phần mới, mặc dù vậy, kết quả đã cho thấy sự nỗ lực, cố gắng chung của các bộ trong triển khai công tác CCHC,với kết quả ngày càng thực chất hơn, sát với thực tiễn hơn.
Chỉ số CCHC năm 2016 cho thấy những thay đổi trong công tác chỉ đạo điều hành CCHC và những thay đổi trong kết quả triển khai của các bộ, các tỉnh trên tất cả các nội dung CCHC, đặc biệt là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước, Chính phủ điện tử, Thứ trưởng nói.