Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chiến dịch tái chiếm Mosul: Thách thức mới cho thế giới

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc lực lượng Iraq thực hiện chiến dịch tái chiếm Mosul đang làm dấy lên lo ngại các chiến binh thánh chiến sẽ tìm đường tràn sang châu Âu và Đông Nam Á.

Lực lượng quân đội Iraq thực hiện chiến dịch tái chiếm Mosul khỏi tay IS.

Việc lực lượng Iraq dưới sự hỗ trợ của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu tiếp tục tấn công thị trấn Rutba, tỉnh Anbar nhằm dọn đường giành lại TP Mosul khỏi tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đang làm dấy lên lo ngại các chiến binh thánh chiến sẽ tìm đường tràn sang châu Âu và Đông Nam Á.

Chuẩn tướng Yahya Rasool, người phát ngôn lực lượng quân đội Iraq cho biết, tình hình cuộc chiến chống khủng bố tại Rutba nằm trong tầm kiểm soát và không còn tay súng IS nào xuất hiện tại thị trấn này. Vậy lực lượng chiến binh thánh chiến IS sẽ đi đâu? Đây là điều mà giới chức thế giới quan ngại.

Theo giới phân tích, có hai kịch bản nhiều khả năng diễn ra, đầu tiên là việc các chiến binh thánh chiến IS tràn trở lại khu vực châu Âu và kích động những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu. Theo số liệu do giới truyền thông Mỹ mới công bố, vài năm trở lại đây, ước tính có khoảng 5.000 người châu Âu sang IraqSyria để gia nhập IS. Giám đốc Cơ quan thực thi pháp luật Liên minh châu Âu (Europol) Rob Wainwright nhận định: “Càng thua, áp lực lên IS càng nặng nề. Về lâu dài có thể dẫn tới một phản ứng của nhóm khủng bố này trong lòng châu Âu”.

Thứ hai, chiến binh IS sẽ tràn ra khắp Trung Đông, đồng thời mở rộng tấn công trên toàn khu vực. Không chỉ dấy lên lo ngại khủng bố tại khu vực châu Âu, “việc mất đất, thua trận” tại IraqSyria cũng có thể ép IS chuyển hoạt động sang khu vực Đông Nam Á - nơi đã có sẵn các phe nhóm ủng hộ.

Những cuộc tấn công của chính quyền Iraq vào IS gần đây được xem như việc “cho một con dơi vào tiêu diệt tổ ong, song điều này chỉ khiến những con ong nổi giận chứ không thể triệt tiêu tận gốc”. Như vậy, dù trong trường hợp quân đội Iraq có tái chiếm Mosul thành công cũng không đồng nghĩa với việc có thể vội “mở tiệc ăn mừng”, bởi IS luôn “tái sinh” ở mọi lúc, mọi nơi. Hiểm họa này chỉ có thể bị tiêu diệt khi chúng ta đưa ra một giải pháp cụ thể nhằm triệt bỏ tính cực đoan, bạo lực từ trong chính tư tưởng của chúng.