Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam: Chưa thấy quả ngọt

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điều khiến các nhà quản lý và những người làm bóng đá Việt Nam cảm thấy sốt ruột ở thời điểm cuối năm này là cái đích năm 2020 đang đến gần, nhưng bản Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được nhiều người kỳ vọng vẫn chưa thực sự mang đến sự thay đổi cho nền bóng đá.

Những mục tiêu tham vọng
Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đề ra những mục tiêu đầy tham vọng. Nó hướng đến việc phát triển cơ sở vật chất, bóng đá phong trào, bóng đá học đường, công tác đào tạo và tập trung vào những mục tiêu hội nhập với đấu trường quốc tế. Theo đó, trong giai đoạn 2012 – 2020, bóng đá Việt Nam hướng đến những mục tiêu cụ thể: Đội tuyển quốc gia (ĐTQG) và U23 nam đoạt chức AFF Cup hoặc SEA Games (từ 1 - 2 lần); ĐTQG nam nằm ở Top 15 châu Á; ĐTQG nữ nằm trong Top 6 châu Á.

Các cầu thủ Việt Nam trong một buổi tập. Ảnh: Báo Bóng Đá

Bên cạnh đó, bóng đá Việt Nam phải hướng đến việc hoàn thiện và nâng cao hệ thống thi đấu: Giải vô địch quốc gia (V-League), Giải hạng Nhất, Giải Cúp quốc gia, Giải siêu Cúp quốc gia, Cúp Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Giải hạng Nhì quốc gia, Giải hạng Ba quốc gia, các giải trẻ quốc gia (U21, U18, U15, U13, U11), giải bóng đá nữ, giải Futsal và giải bóng đá bãi biển. Về bóng đá phong trào, chiến lược đặt mục tiêu năm 2020 đạt tối thiểu 7.500 CLB. Số lượng vận động viên (VĐV) trẻ (U11 - U18) được đào tạo tập trung đạt từ trên 4.000 VĐV/năm. Bóng đá có từ 10 - 15 cán bộ tham gia Ban Chấp hành và các ban chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF), Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC); có ít nhất 10 trọng tài chính, 20 trợ lý trọng tài đạt tiêu chuẩn trọng tài FIFA.

Có thể thấy, bản chiến lược bóng đá Việt Nam đặt ra những mục tiêu rất cụ thể và đầy tham vọng. Nó định hình chân đế cho nền bóng đá theo hình kim tự tháp với bóng đá phong trào phát triển rộng khắp, khả năng đào tạo chuyên nghiệp và các đội tuyển có tiềm lực chinh phục đấu trường đỉnh cao.

Chưa đạt như kỳ vọng

Đến thời điểm này, chỉ còn hơn 2 năm nữa là đến cái đích “năm 2020”, nhưng các mục tiêu mà bản chiến lược đề ra vẫn chưa thực hiện được là mấy. Trong buổi sơ kết được tổ chức mới đây, thì bản thân các nhà quản lý và chuyên môn cũng chưa hài lòng về những gì đạt được. Người ta không thể tổng hợp được xem trong 4 năm thực hiện chiến lược, đã có bao nhiêu mục tiêu hoàn thành, bao nhiêu hạng mục đã được thực hiện và kết quả đạt được thế nào?

Có thể thấy, điểm sáng trong thời gian qua chính là tấm vé vô địch SEA Games 2017 và hàng loạt đội tuyển trẻ vào vòng chung kết châu Á. Đội tuyển (ĐT) U19, ĐT futsal cũng giành vé đến World Cup. Trong khi đó, ĐTQG, ĐT U23 QG vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm tấm huy chương Vàng châu lục. Thế nhưng, với nhiều nhà chuyên môn, thành tích của các ĐTQG chỉ là phần ngọn. Cái gốc mà nền bóng đá cần phải hướng đến chính là việc, bóng đá Việt Nam phát triển bóng đá học đường, bóng đá phong trào và đào tạo trẻ đến đâu? Việc xây dựng hệ thống giải, cải thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ bóng đá có khác gì trước khi thực hiện chiến lược phát triển bóng đá? Với những câu hỏi này, đến nay, các nhà quản lý ngành thể thao vẫn chưa thể trả lời. Và đó cũng là nguyên nhân khiến chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam chưa thể mang đến quả ngọt đúng như kỳ vọng của dư luận.

Việc thực hiện chiến lược phát triển bóng đá không nằm ở VFF mà thuộc về Bộ VHTT&DL - nơi có đủ tầm để kết nối với các ngành, các địa phương. Đến nay, vẫn chưa có một bộ phận chuyên trách để thực hiện bản chiến lược vốn có phạm vi điều chỉnh rất rộng. Đó cũng là nguyên nhân quan trọng khiến đến nay, chiến lược phát triển bóng đá vẫn chưa thể đi vào cuộc sống, chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản và quyết liệt. Vì thế, để có được những thay đổi quyết liệt trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam, đòi hỏi Bộ VHTT&DL phải vào cuộc trách nhiệm hơn.