Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chính sách còn ràng buộc

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự báo đến năm 2020 khi 49 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) và 20% quỹ đất của 58 dự án nhà ở thương mại dành cho NƠXH thì TP Hà Nội vẫn thiếu khoảng 2,1 triệu mét vuông sàn nhà ở dành cho các đối tượng chính sách, công nhân, người có thu nhập thấp.

 KTS Lê Văn Lân – Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội.
Nhu cầu về NƠXH đang trở thành vấn đề cấp thiết của Thủ đô Hà Nội, theo đánh giá để đáp ứng được nhu cầu thì cần phải có thêm nhiều cơ chế cho phát triển NƠXH. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với KTS Lê Văn Lân – Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội.
Thưa ông, thời gian qua Chính phủ và TP Hà Nội đã dành nhiều sự quan tâm để phát triển các công trình NƠXH, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu của người dân. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Từ năm 2009, khi Chính phủ đưa ra những chính sách, định hướng riêng về phát triển NƠXH dành cho những đối tượng thuộc diện chính sách, công nhân, người có thu nhập thấp, hàng trăm dự án NƠXH tại các đô thị lớn được xây dựng, trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai đô thị đi đầu, đã giải quyết một lượng lớn nhu cầu về nhà ở cho những người có thu nhập thấp.
Đối với những đối tượng thuộc diện ưu tiên cho mua, cho thuê NƠXH tại các đô thị, Chính phủ đã đưa ra biện pháp hỗ trợ gián tiếp thông qua các dự án do các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư là chủ yếu. Các chủ đầu tư NƠXH cũng được Nhà nước tạo nhiều điều kiện về kinh phí thực hiện, miễn giảm các loại thuế, tạo điều kiện về vay vốn ngân hàng...
Nhà nước cũng duyệt chi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân mua NƠXH, nhưng thực tế trong thời gian qua các dự án NƠXH vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư chưa thực sự chú tâm đến các dự án này bởi lợi nhuận thấp. Bên cạnh đó, một số chính sách về NƠXH vẫn còn ràng buộc và gây khó khăn cho cả người mua và chủ đầu tư.
Có ý kiến cho rằng, do tình trạng thiếu đất tại đô thị nên các chủ đầu tư lựa chọn giải pháp vào dòng sản phẩm cao cấp, lợi nhuận cao mà “bỏ quên” các dự án dành cho người thu nhập thấp. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Thực tế trong thời gian qua, phần lớn các chủ đầu tư chủ yếu tập trung vào dòng sản phẩm thương mại. Số lượng các dự án nhà ở thương mại chiếm ưu thế hơn NƠXH. Tuy dự án NƠXH được ưu đãi về thuế - đất, nhưng bị khống chế về giá bán, trong khi giá vật liệu xây dựng, nhân công trên thị trường không giảm mà còn có chiều hướng tăng nên các chủ đầu tư đã không thực sự chú tâm vào dòng sản phẩm NƠXH.
Tuy nhiên, hiện nay với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan Nhà nước, thực hiện những quy chế bắt buộc đối với các dự án NƠXH thì dòng sản phẩm này đang được quan tâm đúng mức hơn. Hơn nữa, nhóm đối tượng là những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp vẫn chiếm số đông trong xã hội, có nhu cầu thực về chỗ ở, nên các DN cũng dần dịch chuyển xu hướng đầu tư của mình.
Có một nghịch lý là các dự án NƠXH ở khu vực trung tâm lúc nào cũng đắt khách, hết hàng ngay sau khi chào bán. Nhưng nhiều dự án ở vùng ngoại thành xa trung tâm, người dân lại chưa mặn mà, vì sao như vậy?
- Vấn đề này có thể lý giải như sau: Thứ nhất, các trụ sở cơ quan, chính quyền, DN đều được đặt tại khu vực trung tâm, là các quận nội thành. Khu vực này có hệ thống hạ tầng công cộng tương đối hoàn chỉnh nên khi mua hay thuê thì người dân vẫn ưu tiên tại các khu vực trung tâm, trong khi đó các dự án ở vùng ngoại thành ở xa trung tâm, tâm lý ngại đi lại. Thứ hai, các dự án khu vực ngoại thành có vị trí không thuận lợi, việc thiếu kết nối hạ tầng của dự án với khu vực xung quanh cũng khiến cho nhiều dự án không thu hút được khách hàng.
Vậy giải pháp để khắc phục những khó khăn là gì, thưa ông?
- Cần phải có thêm nhiều cơ chế dành cho NƠXH cho cả đối tượng là chủ đầu tư và đối tượng là những người có nhu cầu về thuê, mua. Việc TP Hà Nội chủ trương xây dựng các khu đô thị, khu NƠXH tập trung ở các huyện ngoại thành là phương án hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế, vì trong vùng nội đô không còn quỹ đất để phát triển loại hình này nữa.
Nhưng để thực hiện kế hoạch này thì hạ tầng phải đi trước một bước, đồ án quy hoạch chung đã có rồi, vì vậy cần phải triển khai ngay các hạ tầng cơ bản, như giao thông, y tế, giáo dục... Khi dự án đi vào hoạt động đã sẵn có các hạ tầng tiện ích công cộng thì người dân cũng sẽ dễ dàng thay đổi thói quen hướng về trung tâm.
Bên cạnh đó, cần phải đẩy nhanh việc thực hiện các dự án NƠXH bằng nguồn vốn ngoài ngân sách hoặc là thực hiện cơ chế phối hợp giữa DN và người dân, trong đó người dân sẽ cùng góp vốn để thực hiện dự án. Các chủ đầu tư sẽ phải cam kết về tiến độ và lợi nhuận theo định mức khi có sự chung tay, góp sức từ người dân. Có như vậy thì các dự án NƠXH mới có thể nhanh chóng được triển khai và hoàn thiện theo nhu cầu.
Xin cảm ơn ông!