Theo ông Quỳnh, nguồn cầu đối với NƠXH lớn nhưng vẫn có DA bán ì ạch là do quy hoạch chưa đồng bộ, xa trung tâm, không đáp ứng đủ điều kiện sống cho cư dân.
Ông nhận định thế nào về thị trường NƠXH hiện nay? Việc tăng giá NƠXH sẽ ảnh hưởng thế nào tới thị trường phân khúc này?- Thị trường NƠXH hiện nay đúng là nguồn cung chưa đáp ứng đủ cầu, song, có DA vẫn bán rất chậm. Hơn nữa, giá căn hộ ở những DA NƠXH hiện nay không còn thấp như trước, thậm chí còn đang tăng dần, trung bình từ 14 - 16 triệu đồng/m2. Điều này cũng dễ hiểu, vì giá các nguyên vật liệu xây dựng tăng, chi phí nhân công tăng, chi phí hạ tầng cũng tăng, trong khi DN lại không được vay ưu đãi nên giá căn hộ buộc phải tăng. Trong lúc đó, giá nhà thương mại bình dân với nội thất đầy đủ, có VAT, phí bảo trì cũng chỉ cao hơn có 2 - 3 triệu đồng/m2. Nếu không có chính sách hỗ trợ thì rất có thể người dân trong diện được mua NƠXH cũng sẽ quay lưng lại với thị trường này, chuyển sang nhà thương mại giá bình dân.
Thực tế đúng như ông nói, mặc dù nguồn cầu của phân khúc này rất lớn nhưng vẫn có DA ế, bán mãi không hết, nhất là DA nằm ngoại thành, xa trung tâm. Phải chăng do quy hoạch DA chưa phù hợp?- Nói quy hoạch dự án chưa phù hợp cũng không sai nhưng cũng không hẳn đúng. Đối với NƠXH lợi nhuận rất thấp, giá không phải tự DN định mà do TP duyệt, thế nên không thể quy hoạch ở những mảnh đất vàng, hay ở nội đô mà phải ở ven đô, ngoại thành – nơi có nhiều đất sạch để giảm chi phí GPMB, đền bù đất.
Mâu thuẫn là ở nơi có đất sạch ấy, nhu cầu nhà ở của người dân không nhiều, mà đại bộ phận có nhu cầu là những cán bộ công nhân viên làm việc ở nội đô hay những khu công nghiệp. Thế nên, việc bất tiện về quãng đường đi lại, cộng với hạ tầng DA chưa kịp đồng bộ (thông thường hạ tầng đồng bộ được phải có đông dân cư ở. Ví như muốn xây trường học thì phải đông dân cư, DN khảo sát đủ lượng học sinh thì người ta mới xây, chứ không ai lại xây trường sẵn khi chưa có dân cư đến ở, mặc dù quy hoạch DA là có cả những hạng mục này. Điển hình như khu đô thị Đặng Xá, sau 4 năm dân cư trong khu ổn định, DN mới tiến hành xây dựng trường tiểu học, THCS)…, giá thành cũng không phải ưu đãi rõ nét, trong khi đó gói vay ưu đãi lại chưa được tiếp cận, DN thiếu vốn nên hạ tầng dở dang khó bán hàng. Mặt khác, có thể chủ đầu tư đi trước đón đầu quy hoạch nhưng chính quyền lại thay đổi quy hoạch hoặc triển khai quy hoạch chậm do thiếu vốn nên ảnh hưởng tới sức mua của DA, điều này diễn ra với cả DA thương mại chứ không riêng gì DA NƠXH.
Việc tăng giá của thị trường NƠXH, rồi việc gói vay lãi suất ưu đãi 2.000 tỷ đồng, DN cũng như người dân trong diện chưa tiếp cận được, trong khi quy định lãi suất cho vay (theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP) đối với năm 2017 là 4,8% đã gần hết thời hạn... sẽ dẫn tới hệ lụy gì, thưa ông?- Nói hệ lụy thì hơi quá, vì dù là NƠXH thì vẫn phải chịu điều tiết bởi thị trường. Chỉ có điều, chính sách có rồi mà vẫn bị “treo” thì người được hưởng lợi không được hưởng lợi. Điều này đồng nghĩa với việc, hiệu quả an sinh của chính sách không đạt được. Và như tôi đã nói ở trên, người dân mệt mỏi vì chờ đợi sẽ quay sang nhà ở thương mại giá bình dân. Nhà ở phân khúc bình dân hiện đang được các DN phối hợp với ngân hàng có chính sách vay hợp lý; chính sách bán hàng cũng rất tạo điều kiện cho người mua mà không bị ràng buộc bởi nhiều thủ tục như NƠXH.
Dù vậy, tôi vẫn chắc rằng, không ít DN làm DA NƠXH và người dân nghèo, thu nhập thấp vẫn đang mong mỏi gói vay 2.000 tỷ đồng được triển khai kịp thời để họ thực sự được an sinh. Vấn đề vốn vay vẫn là yếu tố quan trọng quyết định thị trường phân khúc này.
Xin cảm ơn ông!