Chịu áp lực từ lạm phát tăng nóng, chứng khoán Mỹ lại "đỏ sàn"

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ quay đầu đi xuống trong phiên ngày 14/4 khi lãi suất trái phiếu tăng cao đã gây sức ép lên thị trường.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số S&P 500 sụt 1,21% xuống còn 4.392,59 điểm, chỉ số Nasdaq Composite hạ 2,14% về mức 13.351,08 điểm. Chỉ số Dow Jones cũng giảm 113,36 điểm, tương đương 0,33%, xuống còn 34.451,23 điểm.

Chỉ số S&P 500 sụt 1,21% xuống còn 4.392,59 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/4/. Ảnh: CNBC
Chỉ số S&P 500 sụt 1,21% xuống còn 4.392,59 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/4/. Ảnh: CNBC

Tính từ phiên giao dịch đầu tuần đến ngày 14/4, chỉ số S&P 500 đã mất 2,13%, Nasdaq Composite sụt 2,63% và Dow Jones sụt  0,78%. Chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ trong ngày thứ Sáu (15/4).

Tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong tuần này là câu chuyện lạm phát. Thị trường Phố Wall chịu sức ép lớn do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vọt lên 2,8%, mức cao nhất 3 năm. Bên cạnh đó, hai báo cáo liên tiếp của Mỹ cho thấy lạm phát tăng nóng trong tháng 3/2022.

Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 12/4 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 3 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981 và cao hơn mức dự báo 8,4% của giới phân tích. Theo báo cáo công bố ngày 14/4, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tăng 11,2% trong tháng 3, ghi nhận mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010.

“Lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ đang có ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu. Trong phiên giao dịch hôm nay, nhà đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu khi đón nhận dữ liệu tiêu cực về lãi suất trái phiếu,” CEO Adam Sarhan của 50 Park Investments nhận xét.

Quan ngại về lạm phát và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng kéo tụt cổ phiếu công nghệ trong phiên này. Microsoft giảm 2,7%; Apple sụt 3%; Google mất 2,4%... Các cổ phiếu chip cũng đi xuống với Nvidia giảm 4,3% và AMD hạ 4,8%.

Nhà đầu tư ở Phố Wall đang lo ngại rằng lạm phát leo thang sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt hơn.

Phát biểu với đài CNBC hôm thứ Tư, ông Christopher Waller, một thành viên Ủy ban Thị trường mở (FOMC) của FED, đánh giá: “Tôi cho rằng các dữ liệu mới nhất đang ủng hộ quan điểm thắt chặt chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ. Nếu FED quyết định hành động như vậy, các dữ liệu đang tạo ra cơ sở để chúng tôi lựa chọn quan điểm mang tính diều hâu”.

Ông Waller cũng lưu ý thêm: “Tôi muốn đi trước đón đầu, nên việc nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng 5 sẽ là phù hợp. Tiếp đó, FED cần tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 6 và tháng 7”.

Nhà đầu tư tiếp tục phân tích các dữ liệu lạm phát, thận trọng chờ các động thái tiếp theo của FED và các báo cáo tài chính quý I/2022 trước khi đưa ra quyết định mua hay bán cổ phiếu. Các ngân hàng lớn gồm Goldman Sachs, Morgan Stanley và Wells Fargo đã đưa ra kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm trong ngày 14/4, và giới đầu tư đang xem xét các nhà băng này đối phó như thế nào với sự leo thang của lạm phát.

Cổ phiếu Goldman Sachs giảm 0,1% dù ngân hàng này đạt lợi nhuận quý I vượt dự báo. Cổ phiếu Morgan Stanley tăng 0,7% nhờ lợi nhuận cao hơn dự báo. Trong khi đó, cổ phiếu Wells Fargo hạ 4,5% vì doanh thu trong 3 tháng đầu năm không đạt kỳ vọng.

Trong tuần sau, hàng loạt doanh nghiệp sẽ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I, bao gồm 7 doanh nghiệp lớn trong chỉ số Dow Jones là: IBM, Procter & Gamble, Travelers, Dow Inc, Johnson & Johnson, American Express và Verizon. Netflix sẽ công bố vào thứ Ba và Tesla vào thứ Tư (20/4).

Hai ngân hàng lớn là Bank of America và Bank of New York Mellon cùng thông báo số liệu tài chính trong ngày thứ Hai (18/4).

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần