Chịu áp lực từ quan điểm cứng rắn của Fed, chứng khoán Mỹ rơi tự do

Thu Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch ngày 19/12 khi những quan ngại về suy thoái ngày càng lớn và nhà đầu tư mất dần hy vọng về một đợt phục hồi cuối năm.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ tư liên tiếp khi đóng cửa ngày  19/12. Ảnh: Reuters
Chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ tư liên tiếp khi đóng cửa ngày  19/12. Ảnh: Reuters

Theo CNBC, chốt phiên dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones sụt 162,92 điểm (tương đương 0,49%) xuống còn 32.757,54 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,9% về mức 3.817,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 1,49% còn 10.546,03 điểm, chịu áp lực bởi đà giảm 3.35% của cổ phiếu Amazon.

Đây là phiên giảm thứ tư liên tiếp của cả ba chỉ số chính trên sàn Phố Wall, nối tiếp đà giảm của tuần trước sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm và phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Fed dự báo lãi suất tối đa của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này sẽ là 5,1%, cao hơn nhiều so với mức 4,6% đưa ra hồi tháng 9. Nhà đầu tư lo ngại rằng mức lãi suất như vậy có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, thậm chí kéo kinh tế thế giới suy thoái theo.

Giám đốc phụ trách giao dịch Chris Larkin của E*Trade nhận định với hãng tin CNBC: “Trong những tuần cuối cùng của tháng 12, nhà đầu tư kỳ vọng vào đợt phục hồi dịp Giáng sinh sau 2 tuần giảm liên tiếp đầu tiên kể từ tháng 9.“Số liệu lạm phát hạ nhiệt có thể đã cho thị trường một động lực ngắn ngủi, nhưng việc Fed duy trì chính sách thắt chặt và Chủ tịch Powell khẳng định lãi suất sẽ duy trì ở mức cao đã khiến không ít nhà đầu tư hụt hẫng”.

Chuyên gia Ed Hyman của Evercore ISI cho rằng việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt có nguy cơ đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái.

Không chỉ Fed, các ngân hàng trung ương khác cũng thể hiện quan điểm cứng rắn, càng khiến nhà đầu tư lo ngại nhiều hơn về nguy cơ suy thoái toàn cầu. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng nâng lãi suất và dự báo sẽ còn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Về phần mình, sau một thời gian dài đi ngược xu hướng tăng lãi suất toàn cầu, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng có thể đang xem xét lại mục tiêu lạm phát 2% và sớm nâng lãi suất.

Chứng khoán Mỹ đang có một tháng 12 ảm đạm sau 2 tuần giảm liên tiếp. Tính từ đầu tháng đến nay, Dow Jones đã giảm 5,3%, S&P 500 mất 6,4%, còn Nasdaq Composite sụt 8%.

Theo ông Art Hogan, giám đốc chiến lược thị trường tại B. Riley Financial, xu hướng biến động trên thị trường trong năm 2022 có thể sẽ tiếp tục kéo dài sang năm mới. “Thị trường đang ở trong một cuộc chiến giằng co giữa dữ liệu kinh tế khả quan với những quan ngại về rủi ro suy thoái kinh tế do việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức của Fed. Nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý đón nhận diễn biến trồi sụt của thị trường cổ phiếu trong những tháng đầu năm 2023”.

Giới đầu tư đang chờ một số báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết dự kiến công bố trong tuần này. Cả hãng vận tải FedEx và thời trang thể thao Nike cùng công bố báo cáo vào ngày thứ Ba sau khi thị trường đóng cửa phiên chính. Khi nỗi lo suy thoái tăng lên, tình hình doanh thu và lợi nhuận càng thu hút sự chú ý.

Chiến lược gia Michael Wilson của Morgan Stanley đánh giá: “Lãi suất và lạm phát có thể đã qua đỉnh, nhưng chúng tôi nhận thấy một dấu hiệu cảnh báo về lợi nhuận. Chúng tôi cho rằng nguy cơ với lợi nhuận đang bị xem  nhẹ nhưng không thể bị phớt lờ thêm được nữa”.