KTĐT - Ít nhất 80 phụ nữ từ Ấn Độ và Pakistan muốn di cư tới Anh để kết hôn đã bị các nhân viên di trú “kiểm tra tình trạng hôn nhân”.
Chính phủ Anh đang đối mặt với những lời kêu gọi phải đưa ra một lời xin lỗi chính thức.
Sau khi các tài liệu cho thấy các phụ nữ từng trải qua các cuộc kiểm tra trinh tiết khi cố gắng di cư vào Anh những năm cuối 1970.
Ít nhất 80 phụ nữ từ Ấn Độ và Pakistan muốn di cư tới Anh để kết hôn đã bị các nhân viên di trú “kiểm tra tình trạng hôn nhân”, theo các tài liệu mật của Bộ nội vụ Anh.
Các tài liệu cho thấy việc kiểm tra trinh tiết diễn ra thường xuyên hơn những gì người ta vẫn nghĩ trước đó.
Biện pháp trên đã bị cấm vào tháng 2/1979 sau khi báo chí Anh tiết lộ rằng một phụ nữ Ấn Độ 35 tuổi đã bị một bác sĩ nam kiểm tra ngay tại sân bay Heathrow để xem cô này còn trinh tiết hay không.
Bộ nội vụ ban đầu khẳng định không thực hiện biện pháp kiểm tra bên trong cơ thể như vậy.
Người phụ nữ Ấn Độ sau đó được nhận số tiền đền bù 500 bảng Anh cho những đau buồn mà cô phải trải qua nhưng không có lời xin lỗi nào về hành động kiểm tra trinh tiết.
Chính phủ Công đảng khi đó xác nhận rằng vụ việc là có thực nhưng khẳng định chỉ có 2 trường hợp xảy ra trong 7 năm.
Tuy nhiên, các tài liệu mới được báo chí Anh tiết lộ cho thấy biện pháp kiểm tra bên trong cơ thể đã được thực hiện thường xuyên hơn, đặc biệt tại các văn phòng Cao ủy Anh ở Ấn Độ và Pakistan.
Các quan chức cấp cao của Bộ ngoại giao Anh đã báo cáo 73 trường hợp tại New Delhi và 9 trường hợp khác ở Mumbai từ 1976-1979.
Hai học giả Australia, những người đã phát hiện ra các tài liệu, đã kêu gọi một lời xin lỗi chính thức từ chính phủ Anh.
Hina Majid, giám đốc chính sách của Hội đồng liên kết về quyền lợi của người nhập cư (JCWI) nói: “Dù trong năm 2011, chúng ta không phải kiểm tra trinh tiết các cô dâu Nam Á nhưng một sự thực đáng buồn là nhiều phụ nữ nhập cư vẫn không được đối xử công bằng và hưởng đầy đủ các quyền con người”.
Một phát ngôn viên của cơ quan biên giới Anh nói: “Những biện pháp trên đã xảy ra 30 năm trước và hoàn toàn sai trái. Các chính sách nhập cư của chính phủ ngày nay đã phản ánh trách nhiệm hợp pháp của Anh và tôn trọng quyền con người của những người nhập cư".