Chốn bình yên của động vật hoang dã

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nhiều năm nay, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội đã trở thành “bệnh viện”, mái ấm của ĐVHD. Bởi, cùng với nhiệm vụ cứu hộ, chăm sóc, chữa trị cho hàng trăm loài ĐVHD, Trung tâm còn nỗ lực bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm.

Công việc chăm sóc các loài ĐVHD lâu nay đã trở thành nếp sinh hoạt thường ngày của nhiều nhân viên, công nhân tại Trung tâm. Ngay từ sáng sớm, không khí làm việc của nhân viên tại Trung tâm đã rất tất bật. Người dọn vệ sinh chuồng trại, người chuẩn bị thực phẩm, người kiểm tra sức khỏe...
Ðội cứu hộ, chăm sóc ĐVHD ở đây có gần 20 người, công việc hàng ngày là chăm sóc tỉ mỉ từng miếng ăn, giấc ngủ của những loài thú. Công việc hàng ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào lúc 17 giờ chiều, nhưng nhiều hôm kéo dài đến khuya vì anh em phải thay phiên nhau túc trực theo dõi, chăm sóc khi có động vật bị ốm.
 Công nhân chăm sóc động vật hoang dã tại Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội. Ảnh: Ánh Ngọc
Tất cả các cá thể động vật được cứu hộ tại đây đều được thiết kế thực đơn từ 2 – 3 bữa/ngày để phù hợp với sở thích và nhu cầu của từng loài. Thức ăn chủ yếu là rau, củ, quả tươi như chuối, dưa chuột, cà rốt, bí đỏ, dưa hấu... được bảo quản, chế biến cẩn thận. Đối với các cá thể gấu được ăn cháo nấu thịt lợn, gia cầm. Riêng khẩu phần ăn của các cá thể hổ thì luôn là thịt tươi như gà, lợn, bò.
Bên cạnh đó, các loại động vật còn được thăm khám hàng ngày và định kỳ để phòng chữa bệnh kịp thời. Mỗi tháng, chi phí thức ăn, thuốc chữa bệnh cho động vật không nhỏ, song Trung tâm luôn đề cao việc đảm bảo môi trường sống và chăm sóc tốt nhất cho các loài ĐVHD.
Gắn bó với trung tâm từ ngày đầu thành lập, bác sĩ Trịnh Thị Thu Hằng chia sẻ, làm nghề bác sĩ của động vật nuôi vốn đã khó, với ĐVHD còn khó gấp nhiều lần vì rất dễ phát sinh tai nạn nghề nghiệp. Ðiều quan trọng là cứu chữa, chăm sóc nhưng không làm mất đi bản tính hoang dã để sau đó thả chúng lại môi trường tự nhiên.
“Những cá thể bị nuôi nhốt lâu không đủ điều kiện sinh tồn như mất tập tính hoang dã, mất chức năng vận động được chuyển vào khu phục hồi chức năng. Tại đây, trung tâm có những cách thức để phục hồi tập tính sinh thái và chức năng vận động cho chúng, rồi đưa ra khu thả bán hoang dã một thời gian để thích nghi dần trước khi thả ra môi trường tự nhiên” – chị Hằng cho hay.
Khối lượng công việc lớn, tính chất công việc vất vả, trong khi đó, mặt bằng của trung tâm luôn trong tình trạng quá tải vì số lượng ĐVHD phải cứu hộ từ đầu năm đến nay gia tăng đột biến. 9 tháng năm 2019, đơn vị đã tiếp nhận và chăm sóc 1.144 cá thể ĐVHD và 57,2kg rắn.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức tái thả 4 đợt ĐVHD với tổng số 218 cá thể và 1,2kg rắn về môi trường tự nhiên sau cứu hộ tại Vườn quốc gia Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh), Vườn quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An) và Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai). Tuy nhiên, khó khăn không làm cho hoạt động của Trung tâm trì trệ, nghèo nàn mà nơi đây vẫn trở thành một trong bốn trung tâm cứu hộ ĐVHD có uy tín và hiệu quả cao trong cả nước.
Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng cho biết, nhiều loài ĐVHD rất thông minh nên chúng rất cần sự quan tâm, tôn trọng và tình cảm từ phía con người. Nhất là trong quá trình chăm sóc, chữa trị bệnh, dù chỉ qua ánh mắt của động vật cũng có thể cảm nhận rõ được điều này.
“Làm trong môi trường này, chúng tôi tự thấm thía, yêu quý các loài ĐVHD, nên khái niệm, hành vi sử dụng ĐVHD làm thuốc bổ, làm quà biếu... chúng tôi coi là phản cảm và không thể chấp nhận được" – ông Hồng nhấn mạnh.