Chọn khâu đột phá và phương hướng chủ yếu cho nhiệm kỳ tới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV tại Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội đã nêu bật những thành tựu của nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhìn lại 30 năm đổi mới ở Thủ đô.

Làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Sở KH&ĐT. 	 Ảnh:  Hải Linh
Làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Sở KH&ĐT. Ảnh: Hải Linh
Ngoài ra, Dự thảo cũng khẳng định quyết tâm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân… xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững và những phương hướng, nhiệm vụ ở nhiệm kỳ tới. Sau khi nghiên cứu Dự thảo, tôi có một số góp ý như sau.

Trong phần Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XV, tại mục Nguyên nhân chủ quan thuộc phần nguyên nhân chủ yếu của mặt Hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân cần nêu rõ hơn về nội dung phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ đương chức công tác ở các cơ quan quản lý Nhà nước từ TP đến cơ sở. Trong Dự thảo nêu: 5 năm qua, Đảng bộ TP Hà Nội đã xử lý kỷ luật 66 tổ chức đảng và 3.460 đảng viên. Đây là số liệu không nhỏ và đáng buồn. Vì trên thực tế, đội ngũ cán bộ này là những người đang trực tiếp thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời cũng là những người đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Từ thực tế chất lượng đội ngũ cán bộ cho thấy, đã đến lúc Đảng bộ TP cần có các giải pháp căn bản về công tác cán bộ cho đúng.

 Ở phần khâu đột phá, Dự thảo chỉ ra 3 khâu đột phá, trong đó, thứ nhất là phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn. Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô. Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Theo tôi, phần này rất quan trọng, là điểm nhấn để Thủ đô tập trung trí tuệ và công sức vào thực hiện. Do vậy, cần sửa lại cho rõ các khâu để phù hợp với từng vấn đề cụ thể. Theo đó, khâu đột phá thứ nhất tập trung vào phát triển đô thị hiện đại, bền vững. Khâu thứ hai tập trung vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật kỷ cương, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Khâu đột phá thứ ba là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Ở phần Phương hướng nhiệm vụ chỉ tiêu chủ yếu và những vấn đề trọng tâm phát triển Thủ đô 5 năm (2015 - 2020), tại mục 2 mục Tích cực bảo vệ môi trường thuộc phần IX của Dự thảo đã nêu rõ những chủ trương rất đúng đắn và phù hợp, cụ thể như: “Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cải tạo môi trường sông Nhuệ, sông Đáy…”, qua đó, theo tôi, cần bổ sung thêm câu từ vào Dự thảo, như: Nhanh chóng xử lý ô nhiễm môi trường tại các con sông, nhất là những con sông có đoạn chạy quanh khu vực nội đô như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… Vì những con sông này đã và đang là một phần bộ mặt của đô thị Hà Nội. Bên cạnh đó, hiện nay, chúng ta đang thực hiện chủ trương xây dựng “trật tự và văn minh đô thị”. Ngược lại, thực tế hiện nay, chính những con sông này đang là những hình ảnh vô cùng phản cảm làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và khách du lịch, do vậy việc cần phải cải thiện ngay môi trường những con sông là rất đúng đắn, phù hợp.

Cũng trong phần Phương hướng nhiệm vụ, tại mục 3 của phần XIV, tôi đề nghị xem xét thêm nội dung từ những đánh giá đúng về chất lượng đội ngũ cán bộ hiện nay và yêu cầu của công tác cán bộ trong tình hình mới. Do vậy, cần có những chủ trương cụ thể như Tổ chức thi tuyển các chức danh cán bộ quản lý cấp sở, ban, ngành của TP. Đồng thời, tổ chức thật tốt việc thi tuyển công chức, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định. Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm cần phải thực hiện cả đối với cán bộ chủ chốt ở các cơ quan quản lý Nhà nước hàng năm và sớm thực hiện văn hóa từ chức để loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực ra khỏi bộ máy công quyền nhằm tạo niềm tin trong Nhân dân.

Valid: True