Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chọn thầy cho “gà chiến”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thể thao Việt Nam (TTVN) đã chính thức khởi động chiến dịch chuẩn bị cho ASIAD 2014 tại Hàn Quốc. Các nhà hoạch định sách lược của ngành thể thao cũng đã đặt cho mình những chỉ tiêu tại đấu trường châu lục. Nhưng, câu hỏi được giới chuyên môn đặt ra là làm sao để thực hiện những kế hoạch đầy tham vọng đó?

Cô gái vàng sẽ giành… bạc

Tại SEA Games 27 vừa qua, TTVN đã trình làng nhiều gương mặt nữ xuất sắc. Đó là nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương, người giành một lúc 2 tấm HCV ở nội dung 200m và 400m. Vừa trở lại sau chấn thương, Vũ Thị Hương đã khiến giới chuyên môn ngạc nhiên bởi phong độ quá ấn tượng.

Cùng với Vũ Thị Hương, TTVN còn có nữ hoàng ở đường đua xanh Nguyễn Ánh Viên. Một mình nữ kình ngư trẻ tuổi này đã mang về cho TTVN tới 3 tấm HCV cùng nhiều HCB khác. Với những tố chất đặc biệt cùng sự đầu tư mạnh mẽ, Ánh Viên được kỳ vọng sẽ giúp TTVN thực sự hòa nhập với đấu trường cấp châu lục và thế giới.

 
Chọn thầy cho “gà chiến” - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Không hề ngạc nhiên nếu Vũ Thị Hương, Ánh Viên được coi là niềm hy vọng lớn nhất của TTVN tại đấu trường ASIAD. Nhưng, theo đánh giá của giới chuyên môn, ngay cả khi có được phong độ tốt cùng sự tiến bộ vượt bậc về chuyên môn, thì các cô gái vàng của TTVN cùng lắm là giành HCB, hoặc HCĐ. Vậy nên, để hoàn thành chỉ tiêu vàng, TTVN cần phải chọn đúng những môn và VĐV thế mạnh để có được sự đầu tư hợp lý.

Thành bại tại thầy

Theo đánh giá của giới chuyên môn, mỏ vàng của TTVN tại ASIAD nằm các các môn võ, bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ và cờ vua. Tại các kỳ ASIAD trước, ngoại trừ trường hợp đột biến của các nữ VĐV cầu mây năm 2006 thì hầu hết những tấm HCV đều đến từ môn võ. Tại Asiad năm nay, khả năng giành vàng của chúng ta được mở rộng khi đang có trong tay những VĐV thể dục dụng cụ, bắn súng và cử tạ xuất sắc. Vấn đề lúc này là phải tìm kiếm cho được những chuyên gia nước ngoài thật sự xuất sắc để trực tiếp tham gia vào quá trình huấn luyện và tính điểm rơi phong độ của các VĐV.

Được biết, thành tích của TTVN tại SEA Games 27 có sự đóng góp rất lớn của các chuyên gia ngoại. Tại ASIAD sắp tới, thế mạnh của TTVN là taekwondo lại là môn thể thao truyền thống của nước chủ nhà Hàn Quốc. Karatedo, judo cũng là môn thể thao xuất xứ tại Nhật Bản. Thế nên, nhiều chuyên gia cho rằng, bằng mọi giá TTVN phải mời cho được những HLV xuất sắc của hai nước này để dẫn dắt các đội tuyển taekwondo, karatedo và judo. Các HLV này sẽ sắp xếp các chuyến tập huấn nước ngoài và giúp những niềm hy vọng vàng của TTVN hoàn thiện kỹ năng thi đấu. Quan trọng hơn, họ rất hiểu những đối thủ chính của các VĐV Việt Nam để có được sự điều chỉnh phù hợp. Đó là chưa kể đến việc, các nước có môn thể thao mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản thường có nhiều đại diện tham gia công tác trọng tài. Có HLV của các nước này sẽ giúp các VĐV Việt Nam được chấm điểm một cách công bằng trong thi đấu.

Được biết, thời gian vừa qua, TTVN thường thua các đối thủ trong khu vực ở những hạng cân truyền thống do thiếu sự dẫn dắt của HLV nước ngoài. Điều này đã được điều chỉnh trước thềm SEA Games 27 và cuối cùng, các môn võ của Việt Nam đã thi đấu thành công vang dội. Thế nên, để chuẩn bị cho ASIAD 2014, quan điểm của ngành thể thao là phải sớm có chuyên gia ngoại để tham gia sâu vào công tác huấn luyện. Quan trọng hơn, đó phải là những chuyên gia thật sự giỏi và có tầm ảnh hưởng lớn đến môn thể thao ở cấp độ quốc tế. Tất nhiên, để có thầy giỏi thì đòi hỏi sự đầu tư về tài chính phải đặc biệt lớn. Đây cũng là bài toán của ngành TTVN.