Hiện đã có 4.231 con lợn bị bệnh, nghi mắc bệnh bị tiêu hủy. Chính phủ, các bộ ngành T.Ư, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức nhiều đoàn công tác trực tiếp xuống từng xã, phường, thị trấn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch…
Đặc biệt, sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, TP tổ chức sáng 4/3 đã cho thấy sự quan tâm lớn của Chính phủ đối với nhiệm vụ cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Không chỉ trực tiếp chủ trì, người đứng đầu Chính phủ còn đưa ra những chỉ đạo cụ thể, sát sườn nhằm hỗ trợ kịp thời cho người dân. Trong đó, đáng chú ý là việc đồng ý thanh toán 80% giá thị trường đối với lợn phải tiêu hủy. Khống chế bệnh dịch tả lợn được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là một đòi hỏi cấp bách.
Cùng với sự quyết liệt của T.Ư, những ngày qua tại Hà Nội, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TP cũng rốt ráo trong công tác chỉ đạo ứng phó. Hà Nội là một trong số ít địa phương sẵn sàng bố trí kinh phí dự phòng của TP để chi trả, hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu hủy, thay vì trông chờ vào hỗ trợ của T.Ư. Một động thái không chỉ cho thấy trách nhiệm, tinh thần hành động quyết liệt nhằm khống chế bệnh dịch của Hà Nội, mà còn là sự quan tâm, lo lắng tới quyền lợi cho người chăn nuôi lợn đang lao đao vì bệnh dịch hoành hành…
Tuy nhiên, trong nỗ lực khống chế bệnh dịch đến nay, vẫn còn đó những vết gợn khiến nhiều người lo lắng. Đáng buồn nhất là hình ảnh những con lợn chết bị một số người dân vô tư ném xuống sông, suối tại một số địa phương như: Thái Bình, Khánh Hòa… Đó có thể chỉ là hành vi bộc phát nhất thời, thiếu kiến thức về phòng chống bệnh dịch của một bộ phận nhỏ người chăn nuôi, tuy nhiên, hiện tượng cá biệt trên cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền các địa phương đối với công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm chung với cộng đồng cho người chăn nuôi…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn nhận định, nguy cơ lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới là rất cao, hiện bệnh dịch đã xuất hiện tại 7/63 tỉnh, TP. Chính vì vậy, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Triển khai nhanh gọn, hiệu quả và phù hợp thông lệ quốc tế các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch. Ở đó, công tác thông tin, tuyên truyền tiếp tục là nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu cần được quan tâm. Trách nhiệm của những người đứng đầu các cấp cũng cần được nêu cao hơn nữa; lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong suốt quá trình triển khai, như tinh thần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh sáng 4/3, với mục tiêu là sớm khống chế bệnh dịch hiện nay.