KTĐT - Việc các nước gần đây tăng lãi suất là biện pháp mang tính chất tự vệ để giữ cho đồng bản tệ không lên giá, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh thương mại quốc tế.
Lạm phát đang trở thành mối đe dọa đối với nhiều nước, nhất là với các nước mới phát triển. Và hành động thường thấy gần đây của họ là tăng lãi suất cơ bản.
Ngày 6/4, Ngân hàng Nhân dân Trung quốc quyết định tăng 25 điểm cơ bản đối với lãi suất tiền gửi, cho vay có kỳ hạn một năm của các tổ chức tín dụng, đưa lãi suất tiền gửi lên 3,25%, lãi suất cho vay lên 6,31%. Đây là lần thứ 4 kể từ cuối năm 2010 đến nay Trung Quốc quyết định tăng lãi suất.
Cuối tháng 4, Giám đốc Sở nghiên cứu kinh tế Trung Quốc Zhang Chu Quang nhận định: "Sức ép lạm phát cả năm là rất lớn, chống lạm phát phải được coi là nhiệm vụ chính của Ngân hàng Trung ương". Theo ông, trong khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã được điều chỉnh lên quá cao, khả năng điều chỉnh tiếp là rất hạn chế. Trong khi đó, lãi suất vẫn thấp hơn đà tăng giá cả (lãi suất âm), vì vậy việc điều chỉnh lãi suất lên nữa là cần thiết.
Vị chuyên gia này cho biết, sau lần điều chỉnh lãi suất ngày 6/4 mức độ lãi suất âm còn rất lớn trong khoảng từ 1,75 -2,15%. Trung Quốc dự báo tăng GDP trong quý I là 9,7%, trong khi CPI tăng 5%. Sang quý II, mức tăng GDP là 9,5%, chỉ số CPI tăng 5,2%. Cả 2 chỉ số trên, theo ông Quang là quá cao, không thể chấp nhận được, cần phải điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế và có các biện pháp mạnh để khống chế lạm phát bằng cách thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, kết hợp việc điều chỉnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất và tăng tỷ giá đồng NDT.
Ngày 7/4, Ngân hàng Trung ương châu Âu( ECB ) cũng tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,25% lên mức 1,25%. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, ECB đã duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục 1% từ tháng 5/2009.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc duy trì lãi suất cho vay 1% là quá thấp trong khi lạm phát đã tăng 2,6%, cao hơn so với mục tiêu lạm phát đặt ra dưới 2%. Trước tình hình giá dầu, lương thực và các loại hàng hóa khác tiếp tục tăng, lạm phát của các nước này có thể sẽ trầm trọng hơn.
Ngày 21/4, Ngân hàng Trung ương Brazil công bố tăng 25 điểm cơ bản đối với lãi suất chủ chốt, lên mức 12%, đánh dấu lần thứ 3 tăng lãi suất kể từ tháng 12/2010 đến nay. Ủy ban Chính sách tiền tệ Ngân hàng Trung ương Brazil cho biết đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo cho lạm phát trở lại bình thường trong năm 2012.
Cũng trong ngày 21/4, Ngân hàng Trung ương Thái Lan tuyên bố tăng 0,25% lãi suất cơ bản để hạn chế lạm phát gia tăng. Đây là lần thứ 6 Thái Lan tăng lãi suất trong vòng chưa đầy một năm.
Trước tình hình USD liên tục mất giá, làm cho đồng tiền các nước châu Á lên giá mạnh, các nước Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc Australia, Malaysia phải can thiệp thị trường bằng cách mua USD để giữ cho đồng bản tệ không lên giá. Riêng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ngày 20/4 đã mua vào 500 triệu USD.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Mỹ và Nhật cho các cỗ máy in tiền hoạt động hết công suất trong thời gian qua là một trong các nguyên nhân chính gây nên lạm phát. Đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ, Nhật sẵn sàng thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để hạn chế lạm phát đang đe dọa các nước trên thế giới.
Việc các nước gần đây tăng lãi suất là biện pháp mang tính chất tự vệ để giữ cho đồng bản tệ không lên giá, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh thương mại quốc tế, song mục tiêu chính là nhằm hạn chế việc giá cả tăng lên, lạm phát trầm trọng ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội.