1 ngày trước cuộc thử nghiệm, Thị trưởng Florence Dario Nardella đã khởi xướng một sự kiện trên Twitter có tên "Ôm một người Trung Quốc", kêu gọi mọi người hãy đoàn kết trong cuộc chiến chống lại virus corona và đẩy lùi những định kiến, phân biệt chủng tộc xuất hiện trên khắp thế giới thời gian qua, do sự bùng phát dịch bệnh từ Vũ Hán.
"Virus" kỳ thị người châu Á lan nhanh
Kể từ tháng 1, bạo lực và phân biệt đối xử đối với người Trung Quốc đã được báo cáo ở nhiều khu vực. Du học sinh đã trở thành nạn nhân phổ biến, khi 1 sinh viên Trung Quốc 23 tuổi ở Berlin, Đức, đã bị 2 người phụ nữ bản địa nhổ nước bọt và đá vào người, gọi cô là "virus Trung Quốc". Một sinh viên Trung Quốc khác cũng bị tấn công trên đường đến trường ĐH ở Sheffield, Anh, chỉ vì đeo mặt nạ. Các tình huống tương tự đã xảy ra ở một số quốc gia khác, bao gồm Pháp và Italia.
Tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... nhiều nhà hàng, khách sạn đã cho dán thông báo từ chối tiếp đón người Trung Quốc. Nhật báo Khao Sod của Thái Lan hôm 4/2 cho biết một trường hợp du khách Trung Quốc và con của cô đã phải ngủ ngoài đường ở thị trấn nghỉ mát Hua Hin vì không có khách sạn hay nhà nghỉ nào chấp nhận họ.
Ngày 3/2, Tổng cục Du lịch Việt Nam có Công văn số 86/TCCDL-KS về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, chỉ đạo các Sở Du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn, trong đó có nhấn mạnh việc đề nghị các cơ sở lưu trú tiếp tục phục vụ khách du lịch nước ngoài chưa thể trở về nước do yêu cầu tạm dừng bay đi/đến các vùng có dịch của Cục Hàng không Việt Nam cho đến khi có thông báo mới. Tuy nhiên, các cơ sở cần bố trí các khu vực riêng và giám sát chặt chẽ việc di chuyển cũng như tình trạng sức khỏe của họ, báo cáo với cơ quan chức năng tại địa phương biết về số khách này. |
Phân biệt chủng tộc thậm chí bắt đầu nhắm mục tiêu đến mọi người châu Á, qua những bình luận miệt thị với người nổi tiếng gốc Á như Michelle Phan, BTS... và ảnh chế khiếm nhã trên mạng xã hội.
Nguy hiểm hơn khi xu hướng này xuất hiện giữa đời thực, khi đã có báo cáo về trường hợp một người đàn ông gốc Á, bị đột quỵ ở khu phố Hoa tại Sydney, đã bị bỏ mặc đến chết vì mọi người lo sợ virus corona.
Kẻ thù là virus chứ không phải nhân loại
Hôm 4/2, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng lo ngại về sự phân biệt đối xử và vi phạm nhân quyền có thể xảy ra giữa bối cảnh dịch bệnh. Ông nói trong một cuộc họp báo ở TP New York rằng trong tình huống như vậy, "có xu hướng kỳ thị những người vô tội chỉ vì sắc tộc của họ".
Trong khi đó, nhiều nhà lãnh đạo thế giới, cũng như các tổ chức dân sự hoặc cá nhân, cũng kêu gọi đứng lên chống lại sự phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc, bằng sự hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau.
"Chúng ta cần hỗ trợ lẫn nhau và đoàn kết", Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại lễ mừng năm mới của Trung Quốc tại Toronto, "hãy để tôi nói rõ, không có nơi nào ở đất nước chúng ta bị phân biệt đối xử do sợ hãi hoặc thông tin sai lệch. Đó là điều mà người Canada sẽ luôn ủng hộ".
Đầu tháng này, một bức thư do một trường tiểu học Nhật Bản gửi cho phụ huynh của các học sinh đã trở thành hiện tượng trên mạng xã hội, khi nhà trường nhắc nhở các gia đình hướng dẫn con cái họ các biện pháp phòng ngừa và yêu cầu chúng tiếp cận tình hình đúng cách.
"Khi thông tin lan truyền trên internet, chúng tôi lo lắng rằng có thể có sự phân biệt đối xử với TP Vũ Hán hoặc Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng bạn có thể cẩn thận khi nói về vụ việc với con cái mình, để nâng cao nhận thức về quyền con người", lá thư có viết.
Ở một số quốc gia, chính quyền thậm chí từ chối tiết lộ danh tính và quốc tịch của các bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm corona để tránh phân biệt đối xử. Hơn lúc nào hết, cộng đồng quốc tế cần xác định: Chúng ta chống lại virus, không phải chống lại nhau!