Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động đề phòng lạm phát

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong năm 2021, giá cả ở Việt Nam còn nhiều yếu tố làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Người tiêu dùng mua xăng tại một cửa hàng trên phố Nguyên Hồng. Ảnh: Hải Linh
Thách thức từ giá xăng dầu và các gói kích thích kinh tế
Cũng theo các chuyên gia, đáng lưu ý nhất là trong năm nay, giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới được dự báo tăng trở lại khi các loại vaccine Covid-19 được tiêm chủng trên diện rộng và dịch được khống chế; kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục. Cùng với đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam được dự báo vẫn diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung - cầu hàng hóa trên thị trường...

Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn nhận định, năm nay, một số yếu tố tác động bất lợi đến tình hình giá cả như nhóm mặt hàng nhiên liệu, xăng dầu diễn biến hết sức phức tạp, bất thường, có yếu tố tăng, giảm. Nhóm mặt hàng thiết yếu trong đó có thịt lợn cũng rất đáng quan ngại nếu như không thể kiểm soát tốt dịch bệnh.

Không thể chủ quan trong điều hành lạm phát, bởi năm 2021 mới chỉ đi qua 1/4 chặng đường. Trả lời báo chí gần đây, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Vũ Thu Oanh cho rằng: Dù CPI bình quân quý I/2021 tăng chỉ 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua, nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay không dễ. Nguyên nhân do Mỹ và các quốc gia trong khu vực tung ra nhiều gói kích thích kinh tế, sẽ làm giá trị đồng tiền giảm giá và là nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng cao. Giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng mạnh. Theo tính toán, nếu giá dầu thô trung bình khoảng 60 USD/thùng thì CPI năm 2021 sẽ tăng thêm 0,9%. Đáng chú ý, mức tiêu dùng của người dân cũng đã tăng lên.

Theo ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), một số mặt hàng theo lộ trình sẽ được điều chỉnh trong năm nay. Kịch bản có tăng giá hay không phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế - xã hội.

Không chủ quan trong điều hành

TS Nguyễn Ngọc Tuyến - Học viện Tài chính dự báo, nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ có biến động trong năm 2021, do đó chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng cao hơn năm 2020, song bình quân cả năm cũng chỉ ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Đạt được mục tiêu này, theo Tổng Cục Thống kê, trong tháng 4 năm 2021 không nên điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đồng thời không dồn tăng giá các mặt hàng này vào cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao. Đối với mặt hàng xăng dầu, cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và kết hợp sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI chung.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nền kinh tế bắt đầu trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới sau đại dịch Covid-19, nên cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá. Bộ Công Thương cần tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại; phối hợp với các địa phương triển khai các chương trình kích cầu nội địa nhằm kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các DN tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn phải tiếp tục được đẩy mạnh để ổn định sản xuất, thị trường, bình ổn giá cả hàng hóa…

Bộ Tài chính cần tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; đồng thời tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ các DN và kiểm soát dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro để không tạo áp lực cho lạm phát năm nay.
Năm nay, xu hướng đảo chiều tăng trở lại của CPI so với cùng kỳ năm trước một mặt phản ánh sức cầu trong nền kinh tế dần hồi phục, khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Mặt khác, chính sách trợ giá đối với điện đã kết thúc, trong khi giá nhiều loại nguyên liệu đang tăng cao, đặc biệt là diễn biến tăng rất mạnh của giá dầu trên thị trường thế giới vừa qua và hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long