Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ động thiết kế cơ chế đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/1, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội thảo luận “Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”. 

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sáng 16/1, Quốc hội đã nghe tờ trình dự thảo Nghị quyết và đã tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này với hơn 100 ý kiến thảo luận. Các ý kiến cơ bản thống nhất với chính sách Chính phủ trình, tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Về nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, đa số các đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung, chính sách của dự thảo Nghị quyết theo đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên các đại biểu đề nghị cần tiếp tục làm rõ việc thực hiện các kiến nghị của kiểm toán Nhà nước và theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cần tuân thủ nguyên tắc: Đảm bảo tính đặc thù, không tạo ra các rào cản mới; có ý nghĩa cả về tính lâu dài, làm cơ sở đánh giá tổng kết chương trình trong giai đoạn sau...

Băn khoăn năng lực sử dụng vốn ở cấp huyện 

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, đây là Nghị quyết rất cần thiết để cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao cho Chính phủ tại các Nghị quyết số 100 và Nghị quyết số 108 của Quốc hội khóa XV, trong đó đã đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ nhiều nhất khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng nêu rõ, quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết rất nghiêm túc, thận trọng, đúng quy định, bao gồm cả việc xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết, lấy ý kiến các địa phương để hoàn thiện hồ sơ, thẩm định hồ sơ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo đúng tiến độ, đồng thời tiếp tục rà soát, tiếp thu, hoàn thiện theo quy trình rút gọn để trình Quốc hội xem xét.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, đây là Nghị quyết rất cần thiết để cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao cho Chính phủ tại các Nghị quyết số 100 và Nghị quyết số 108 của Quốc hội khóa XV
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, đây là Nghị quyết rất cần thiết để cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao cho Chính phủ tại các Nghị quyết số 100 và Nghị quyết số 108 của Quốc hội khóa XV

Về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhận thấy quy định như dự thảo Nghị quyết rất thông thoáng về phân bổ vốn, tuy nhiên đề nghị năng lực sử dụng vốn, đặc biệt ở cấp huyện để thực hiện các tiểu dự án của Chương trình, đồng thời băn khoăn nếu qua nhiều cấp như vậy thì liệu có mất nhiều thời gian quá không?

Về tên gọi của Nghị quyết, đại biểu bày tỏ đồng tình với tên gọi là Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là đúng thẩm quyền. 

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Ban quản lý các chương trình sắp xếp kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho các cháu dưới 6 tuổi thuộc các hộ gia đình nghèo được học mẫu giáo, hỗ trợ bao nhiêu tùy thuộc vào địa phương đó và các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn tỉnh Yên Bái)
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn tỉnh Yên Bái)

Trong khi đó, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn tỉnh Yên Bái) đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn phương án 2. Theo đại biểu, với phương án này sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các địa phương, đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và đảm thống nhất về mục tiêu chung của tỉnh. 

Việc quy định HĐND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tiễn, được quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp là phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương. Đồng thời, đại biểu đề nghị trong Nghị quyết cần quy định thêm: “Trên cơ sở kết quả phân cấp, HĐND cấp tỉnh có thể quyết định phân cấp thêm cho các huyện khác nhưng không vượt quá 50% số đơn vị cấp huyện trên địa bàn”.

Chủ động hơn nữa trong thiết kế các cơ chế đặc thù

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội thường xuyên thông qua các Nghị quyết về cơ chế đặc thù. Các cơ chế đặc thù này thường cho phép các đối tượng thực thi được thực hiện phương thức hành động khác với quy định của pháp luật hiện hành, để bỏ qua một số khâu không cần thiết, bỏ qua một số quy định vướng mắc chưa phù hợp để đẩy nhanh tiến độ công việc. Việc sử dụng cơ chế đặc thù đều mang lại hiệu quả tốt, chưa có cơ chế đặc thù nào mang lại tác động xấu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) đề xuất, cần chủ động hơn nữa trong thiết kế các cơ chế đặc thù
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) đề xuất, cần chủ động hơn nữa trong thiết kế các cơ chế đặc thù

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, việc thiết lập các cơ chế đặc thù sẽ giúp khắc phục sự khô cứng của quy định pháp luật, đưa kế hoạch triển khai phù hợp hơn với điều kiện, hoàn cảnh thực tế, qua đó mang lại kết quả tốt. 

Theo đại biểu, pháp luật có thể phù hợp ở lĩnh vực này, nhưng chưa thực sự phù hợp ở lĩnh vực khác, hoàn cảnh cụ thể khác. Vì vậy, khi luật pháp ban hành hướng đến một nhóm đối tượng cụ thể, có thể dẫn đến việc không phù hợp khi soi chiếu sang vấn đề khác, lĩnh vực khác, hoàn cảnh khác. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng hiện nay, sẽ nảy sinh rất nhiều mối quan hệ mới, vấn đề mới. Chính vì vậy, trong tương lai, sẽ còn nhiều điểm bất cập về pháp luật cần được khắc phục bằng các cơ chế đặc thù. Đại biểu cho rằng, không nên chờ đợi các địa phương, các ngành, các lĩnh vực thấy vướng mắc rồi đề xuất cơ chế đặc thù, mà cần chủ động đưa ra cơ chế, phương thức để khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc trong pháp luật bằng các cơ chế đặc thù…

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Hội đồng dân tộc chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các Ủy ban Quốc hội hoàn thiện hồ sơ để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết tại phiên họp sáng 17/1 để bảo đảm cho ngày 18/1 Quốc hội biểu quyết thông qua.