Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch nước chủ trì họp Ban Cải cách Tư pháp T.Ư

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 24/1, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã chủ trì phiên họp lần thứ chín, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Đây là phiên họp cuối cùng trong năm nhằm thảo luận, đánh giá kết quả công tác cải cách tư pháp năm 2012; xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2013; dự kiến chương trình làm việc của Ban chỉ đạo trong năm nay.

Theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp, năm 2012, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng trong các cơ quan tư pháp và các cơ quan các tổ chức liên quan đã chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo chương trình kế hoạch và sự chỉ đạo của Bộ Chính trị; lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực tiễn thi hành Hiến pháp năm 1992, nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp năm 1992 về tổ chức và hoạt động tư pháp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/T.Ư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); đồng thời nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến tổ chức, hoạt động tư pháp.
 
Chủ tịch nước chủ trì họp Ban Cải cách Tư pháp T.Ư - Ảnh 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì phiên họp.

Ban Chỉ đạo đã lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu thực hiện chủ trương về đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tòa án Nhân dân tối cao phối hợp các ngành liên quan xây dựng Đề án thành lập Tòa án Nhân dân sơ thẩm khu vực ở địa phương và Đề án về tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ của ngành Tòa án Nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng Đề án nghiên cứu chuyển Viện kiểm sát Nhân dân thành Viện công tố… Các cấp ủy, tổ chức Đảng trong các cơ quan tư pháp và các cơ quan tổ chức có liên quan đã quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 39-CT/TƯ ngày 9-12-2009 của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực cải cách tư pháp.

Năm 2012, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, nghiên cứu làm rõ, những vấn đề còn ý kiến khác nhau, báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị xem xét, kết luận những đề án thuộc nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược cải cách tư pháp. Tổ chức, thực hiện nghiêm túc các phiên họp của Ban chỉ đạo và hoàn thành các chương trình, nội dung đã đề ra trong năm 2012.

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay: tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật thể chế hóa các chủ trương, định hướng về cải cách tư pháp đã được xác định trong các văn kiện của Đảng; Nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị kết luận rõ một số vấn đề nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TƯ.

Tổ chức lấy ý kiến nhân dân và cán bộ tư pháp về việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp năm 1992; tiếp tục xây dựng các đề án chi tiết về đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, cơ quan điều tra; kiện toàn tổ chức hoạt động của các cơ quan, các tổ chức bổ trợ tư pháp, bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến làm việc tại các cơ quan tư pháp; tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp nhằm nâng cao trình độ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công việc; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định rằng công tác cải cách tư pháp trong năm 2012 có nhiều chuyển biến tích cực với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong các cơ quan tư pháp ở Trung ương và địa phương. Nhiều đề án quan trọng liên quan đến công tác cải cách tư pháp được xây dựng, xem xét. Các cơ quan tư pháp đã góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu, đề xuất những nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
 

Một số đạo luật liên quan đến công tác cải cách tư pháp được xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua; tổ chức, hoạt động và thẩm quyền của các cơ quan tư pháp ngày càng được hoàn thiện; công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, xây dựng cơ sở vật chất được quan tâm; các cơ quan tư pháp đã chấp hành nghiêm túc sự giám sát của các cơ quan dân cử và sự chỉ đạo của Đảng.

Chủ tịch nước đánh giá, mặc dù kiêm nhiệm nhưng các thành viên của Ban Chỉ đạo đã theo sát được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng cho rằng, công tác cải cách tư pháp còn một số tồn tại, hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới như việc thực hiện pháp luật nói chung trong đó có cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực chưa đi vào đời sống; một số chủ trương, định hướng về cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị chưa được thể chế hóa kịp thời; một số đề án chuyên đề liên quan đến công tác cải cách tư pháp còn hạn chế về chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu.

Đề cập những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách tư pháp năm nay, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan tư pháp tiếp tục tham gia tích cực vào việc nghiên cứu, góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến cải cách tư pháp; tổ chức đánh giá sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các bộ, ngành, địa phương tăng cường sự kiểm tra, giám sát, nắm tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp tại các ngành, địa phương./.