Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “chấm điểm” các Bộ trưởng trả lời chất vấn

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu giờ chiều nay 6/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ là Bộ trưởng cuối cùng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Sau mỗi phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có những nhận định, đánh giá riêng với phần trả lời chất vấn của từng Tư lệnh ngành.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Bộ trưởng Bộ GTVT trả lời thẳng thắn, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới
Phát biểu kết luận Phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi. Các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội, phản ảnh được những ý kiến, trăn trở, bức xúc của người dân.
 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội, mặc dù mới đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng hơn 8 tháng, nhưng với kinh nghiệm đã từng công tác trong ngành GTVT, với những kết quả, biện pháp chỉ đạo, điều hành thời gian qua, Bộ trưởng đã cơ bản bao quát được vấn đề, nắm chắc được tình hình, thực trạng, trả lời làm rõ hầu hết các vấn đề được ĐBQH nêu, thẳng thắn nhận trách nhiệm với những tồn tại, hạn chế. Tuy nhiên, cũng còn một số nội dung đại biểu chưa hài lòng, nên đã tranh luận để tiếp tục làm rõ.
Bộ trưởng Bộ TNMT trả lời rõ ràng, thẳng thắn
Kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 59 ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn, 18 ĐB quốc hội tranh luận với Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
 Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, phiên chất vấn của Quốc hội đối với nhóm vấn đề này cũng đúng vào Ngày Môi trường Thế giới nên dành được không ít sự quan tâm của đại biểu. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, tranh luận thẳng thắn theo đúng tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào những vấn đề quan tâm. Đây là lần thứ 2 trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nắm rất chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, khúc triết
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung (ngày 5/6) có 51 đại biểu đặt câu hỏi, 18 ĐB tranh luận. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, cũng như 2 phiên chất vấn trước, phiên chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung diễn ra sôi nổi, tranh luận thẳng thắn, nhiều ĐB đăng ký chất vấn và đã đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề ĐB Quốc hội và cử tri quan tâm.
  Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung .
Mặc dù đây là lần đầu tiên Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng Bộ trưởng đã nắm rất chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, khúc chiết và đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, có lộ trình cụ thể để thực hiện.
Theo Chủ tịch Quốc hội, lao động việc làm và trẻ em là những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân và xã hội, nên luôn được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời thẳng thắn, đưa ra giải pháp, lộ trình thực hiện
Phát biểu kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 61 ĐB Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, mang tính xây dựng cao.
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, xác định rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế và đưa ra giải pháp, lộ trình thực hiện. Nhiều ĐB đã tranh luận với Bộ trưởng, làm rõ các vấn đề nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách về giáo dục đào tạo, trong đó quan tâm đến giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đẩy nhanh lộ trình triển khai đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đẩy mạnh tự chủ, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đại học; thu hút thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư vào giáo dục đào tạo; quy hoạch lại hệ thống đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm... để đáp ứng nhu cầu giáo dục, đào tạo thời kỳ mới.