Ngày 4/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội. Trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thay mặt ngành giao thông vận tải phát biểu, báo cáo, giải trình, kiến nghị của đại biểu Quốc hội và cung cấp thông tin cho đồng bào và cử tri cả nước.
Theo Bộ trưởng, Giao thông vận tải là ngành kinh tế đặc biệt, quan hệ chặt chẽ với đời sống kinh tế - xã hội và được người dân rất quan tâm. Giao thông vận tải phải thực hiện chức năng đi trước mở đường để tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội phát triển. Do đó, trong thời gian vừa qua Bộ Giao thông vận tải luôn nhận được rất nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri cả nước và các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Với trách nhiệm của mình, ngành giao thông vận tải cũng đã lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu và kịp thời trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội, đặc biệt ý kiến của đồng bào và cử tri cả nước. Chúng tôi nghĩ rằng trách nhiệm giải trình của bộ, ngành là trách nhiệm quan trọng nhất để nhân dân cả nước giám sát hoạt động ngành giao thông vận tải.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, trong thời gian vừa qua Bộ Giao thông vận tải luôn nỗ lực phấn đấu để thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giao thông vận tải. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách và nguồn vốn có hạn, do đó hệ thống hạ tầng giao thông, công tác tổ chức giao thông vận tải, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong thời gian vừa qua có nhiều bất cập, hạn chế. Giao thông vận tải không phát triển đồng đều giữa các vùng miền, những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng miền núi còn rất nhiều khó khăn so với các khu vực khác.
Giao thông vận tải luôn là nhu cầu của các địa phương và yêu cầu của xã hội rất lớn, nhưng nguồn lực của Nhà nước, nguồn vốn vay, nguồn vốn của xã hội rất hạn chế, do đó chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của xã hội, quá trình nâng cấp và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông thể hiện rất chậm và không đáp ứng được yêu cầu.
Một số lĩnh vực của ngành giao thông vận tải như đường sắt trong một giai đoạn rất dài chúng ta quan tâm chưa đúng mức, do đó hệ thống đường sắt đang rất yếu kém trong 5 lĩnh vực giao thông vận tải.
Để phát triển hạ tầng giao thông, ngoài nguồn vốn của Nhà nước, vốn vay. Trong thời gian vừa qua, thực hiện Nghị quyết 13 của Trung ương, Nghị định 108 của Chính phủ từ năm 2009 đến nay, chúng ta đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư theo hình thức BOT.
Chủ trương phát triển giao thông theo hình thức BOT là một chủ trương đúng, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hiện nay vì ngân sách của chúng ta rất hạn chế, nợ công đang ở mức cao. Việc thực hiện cũng triển khai rất quyết liệt.
Tuy nhiên, qua thời gian chúng tôi thấy rằng những dự án BOT cũng đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng cho hệ thống giao thông hoàn chỉnh, nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều bất cập. Việc quản lý việc đấu thầu, việc tổ chức khai thác các trạm BOT, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước cùng với doanh nghiệp trong thời gian vừa qua còn nhiều bất cập và được xã hội rất quan tâm.
Tiếp thu ý kiến của đồng bào, cử tri cả nước, của các vị đại biểu Quốc hội, của dư luận xã hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cùng với nhiều bộ, ngành đã tiếp thu ý kiến.
“Chúng tôi đã chỉ đạo rà soát và hiện nay đang trình với Chính phủ để thay đổi tên trạm thu phí BOT bằng một tên mới phù hợp với luật và các yêu cầu. Chúng tôi rất cám ơn dư luận xã hội và đại biểu Quốc hội đã hết sức quan tâm trong thời gian vừa qua. Chúng tôi sẽ cố gắng sớm nhất báo cáo với Chính phủ để có một tên mới phù hợp với thực tiễn”, Bộ trưởng bày tỏ.
Ngay sau khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kết thúc phát biểu, trước ý kiến thay đổi tên trạm thu phí BOT bằng một tên mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc đổi tên trạm thu phí thành trạm thu giá không cần phải nghiên cứu và trình.
“Tôi thấy cứ trở về tên cũ là được. Bây giờ đợi trình Chính phủ rất lâu. Tên đúng như tên cũ thì cứ lấy lại thôi”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.