Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch Quốc hội: "Về hưu rồi vẫn bị truy cách chức, đau lắm chứ!"

Theo Dân trí
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Cử tri nói đã về hưu rồi, mất chức không có ý nghĩa. Nó có ý nghĩa ở chỗ đó là cái danh dự, cái uy tín của bản thân cán bộ đó. Bao nhiêu quan hệ từ gia đình, con cái, đồng chí, anh em, chưa nói tới làng xóm, thậm chí đi chợ người ta còn nói cái ông này sai phạm bị cách chức, nó đau khổ lắm!” - Chủ tịch Quốc hội trao đổi với cử tri Cần Thơ.

Ngày 27/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 TP Cần Thơ có buổi tiếp xúc cử tri huyện Phong Điền, TP Cần Thơ trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp đẩy mạnh việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; có biện pháp kiểm soát quyền lực đối với cán bộ có chức có quyền trong phòng, chống tham nhũng.
Cử tri bức xúc các dự án giao thông BOT trên các tuyến quốc lộ thu phí giá cao, bất hợp lý, tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, hay trẻ em có yếu tố nước ngoài không đủ giấy tờ, không làm được thủ tục thường trú, dẫn đến việc không đủ điều kiện làm thủ tục nhập học....
Trả lời về việc nhiều trẻ em trên địa bàn có yếu tố nước ngoài, không đủ giấy tờ để làm thủ tục nhập học, Đại tá Trần Ngọc Hạnh - Giám đốc Công an Cần Thơ cho biết, trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có hơn 1.000 trẻ em có yếu tố nước ngoài, diện con lai. UBND TP đã có văn bản chỉ đạo các sở có liên quan và Công an TP hướng dẫn các quận, huyện làm giấy khai sinh cho trẻ và các giấy tờ tùy thân để trẻ được đi học, đảm bảo quyền lợi cho trẻ.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Cần Thơ rà soát lại số trẻ em có mẹ lấy chồng nước ngoài khi về nước sinh sống chưa được đến trường, từ đó có những biện pháp nhằm thực hiện các quyền trẻ em đã được Hiến pháp quy định, trong đó có quyền được học tập.
"Nghỉ hưu rồi bị cách chức thì có ý nghĩa gì!"
Cử tri Trần Thanh Phong đặt vấn đề: Trường hợp cán bộ có sai phạm mà nghỉ hưu rồi bị cách chức thì có ý nghĩa gì? Mới đây, ông Phạm Thế Dũng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng ông đã nghỉ hưu, giờ họ muốn xử sao thì xử. Nói vậy dân rất bức xúc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, một số trường hợp nghỉ hưu vẫn bị cách chức hoặc cách tất cả các chức vụ trong Đảng và chính quyền. Đây là một điểm mới để làm sao không còn tình trạng hạ cánh an toàn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Chủ tịch Quốc hội nói: "Vừa rồi chúng ta thấy Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai hay Bộ trưởng Bộ TN-MT, ông Võ Kim Cự cũng bị cảnh cáo trong sự cố Formosa, phải chịu trách nhiệm rất nghiêm khắc. Điều đó cho nhân dân thấy rằng Đảng, Nhà nước ta quyết tâm chính trị rất là cao và không có vùng cấm cho bất cứ cán bộ cấp nào".
"Cử tri nói đã về hưu rồi, mất chức không có ý nghĩa. Nó có ý nghĩa ở chỗ đó là cái danh dự, cái uy tín của bản thân cán bộ đó. Bởi vì cái chức mà về hưu đó còn gắn với một số chính sách nữa. Cán bộ tùy cấp, Nhà nước có quy định cấp cán bộ nào sau khi già mất thì lễ tang cấp nhà nước hay quốc tang hay lễ tang cấp cao…” - Chủ tịch Quốc hội nói thêm.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Khi mà anh bị cách cái chức vụ đó thì trở về người bình thường, kể cả tiêu chuẩn khám chữa bệnh hay đi dự mấy hội nghị không còn được giới thiệu là người nguyên giữ chức đó nữa, thậm chí cũng chẳng được mời nữa.
Và một ý nghĩa nữa đau lắm, chứ không phải đơn giản, mặc dù đã không còn chức đó nữa nhưng về hưu mà bị truy cách chức đó, đau khổ lắm. Chúng ta hiểu những đồng chí đó không đơn giản chút nào, bao nhiêu quan hệ từ gia đình, con cái, thân bằng quyến thuộc, đồng chí, đồng nghiệp, anh em, chưa nói tới làng xóm, thậm chí đi chợ người ta còn nói cái ông này sai phạm bị cách chức nó đau khổ lắm”.