Sáng 12/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.
Tăng cường cho chi đầu tư phát triển
Báo cáo bằng văn bản sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Chính phủ cho biết, ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 115, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 2728-TB/TU; UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND phân công nhiệm vụ cho từng sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã. UBND TP đã khẩn trương ban hành các Đề án, hoàn tất thủ tục trình HĐND TP ban hành 6 Nghị quyết để triển khai ngay trong năm 2020.
Về Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, UBND TP đã tổ chức họp và cho ý kiến lần 1 vào tháng 11/2020 và lần 2 vào tháng 10/2021, trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện Đề án và trình HĐND TP vào thời điểm phù hợp.
Báo cáo cũng cho biết, UBND TP đã có ý kiến tham gia với Bộ Tài chính về phương án sắp xếp lại, xử lý 96 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất 245.859m2, diện tích sàn sử dụng 335.308m2 của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp T.Ư đóng trên địa bàn, trong đó, không có trường hợp nào phê duyệt phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vì vậy, 3 năm 2020, 2021, 2022, không phát sinh thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc T.Ư quản lý trên địa bàn.
Dự kiến nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP giai đoạn 2021-2025 khoảng 18 nghìn tỷ đồng, trong đó, kế hoạch năm 2021, bố trí 2 nghìn tỷ đồng và năm 2022, bố trí 7,92 nghìn tỷ đồng cân đối cho các dự án đầu tư của TP.
Đến nay, HĐND TP đã quyết định sử dụng 6,9 nghìn tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư để bổ sung nguồn chi đầu tư xây dựng cơ bản với 319 dự án trên địa bàn.
HĐND TP đã quyết định sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ một số địa phương khác trong nước năm 2020-2022 khoảng 0,18 nghìn tỷ đồng để đầu tư trường học, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo và phòng, chống dịch Covid-19.
Về cơ chế, chính sách về mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính, hạn mức dư nợ vay được phép tối đa của TP năm 2021 khoảng 90,6 nghìn tỷ đồng và dư nợ vay đầu năm 2021 khoảng 6 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 6,6% so với mức dư nợ tối đa theo quy định.
Hiện nay, ngân sách TP cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển (hằng năm đều chưa giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao). Vì vậy, TP chưa sử dụng cơ chế đặc thù về tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính theo Nghị quyết số 115/2020/QH14.
Về thu ngân sách, dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 là 251,3 nghìn tỷ đồng, cao hơn dự toán T.Ư giao 15,8 nghìn tỷ đồng (tăng 6,7%), tăng 0,5% (tăng 1,1 nghìn tỷ đồng) so với thực hiện năm 2020; dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 là 311,6 nghìn tỷ đồng, bằng dự toán T.Ư giao, bằng 117,9% (tăng 47,3 nghìn tỷ đồng) so với thực hiện năm 2021....
Trong các năm 2021, 2022, TP đã chủ động cân đối ngân sách để trả nợ đến hạn. Riêng năm 2022, TP sử dụng 3 nghìn tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi đầu tư phát triển theo quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14, không thực hiện huy động nguồn vốn trong nước nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hiện có.
Tạo đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng của TP Hà Nội
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, với vai trò là Thủ đô của cả nước, bằng sự cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân, qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115, TP Hà Nội đã đạt được một số kết quả.
Cụ thể như: Hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách phù hợp với yêu cầu phát triển, trình độ, yêu cầu quản lý; huy động tối đa nguồn lực tạo đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật; chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.Tăng cường quan hệ hợp tác giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước, lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”; chia sẻ khó khăn và tăng cường gắn kết về nguồn lực, hợp tác giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP…
Bên cạnh một số kết quả đạt được, tiến độ thực hiện một số quy định còn chậm, trong đó có chính sách về phí thuộc thẩm quyền, đến nay, UBND TP mới báo cáo HĐND thông qua 1/6 Đề án phí; việc sắp xếp lại các cơ sở nhà đất còn khó khăn. Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp chậm, làm hạn chế việc bổ sung nguồn lực cho TP...
Một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù khi triển khai còn phụ thuộc vào sự phối hợp, tiến độ triển khai của các bộ, ngành, cơ quan T.Ư liên quan. Cùng với đó, việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách để cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình chưa bảo đảm tính kịp thời…
Chủ động đề xuất một số chính sách mới
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, qua thực tiễn cho thấy, Nghị quyết là cần thiết, quá trình thực hiện đã cho thấy tính đúng đắn hỗ trợ thiết thực trong phát triển kinh tế xã hội cho TP lớn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong quá trình thí điểm một số cơ chế chính sách được nghiên cứu để phổ cập hơn trước khi nghiên cứu xây dựng chính sách chung đại trà, như chính sách sử dụng ngân sách quận huyện có điều kiện hỗ trợ quận, huyện khó khăn hơn trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ an sinh xã hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, TP Hà Nội cần nghiên cứu kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh để tổng kết, đánh giá Nghị quyết số 115/2020/QH14 sớm hơn, chủ động đề xuất một số nội dung mới, làm sao sau khi tổng kết Nghị quyết, sẽ ban hành được ngay các cơ chế, chính sách mới.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, với Nghị quyết số 115/2020/QH14, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hà Nội hết sức phấn khởi khi Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm đến sự nghiệp phát triển của Thủ đô. Thành ủy, HĐND, UBND TP tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa Nghị quyết với những chính sách còn chậm triển khai.
Đối với Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn TP có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đề xuất với Quốc hội quan tâm đến việc cần cấp thẻ định danh, tài khoản đối với mỗi phương tiện cơ giới đường bộ để thực hiện thu phí trên địa bàn TP, đây cũng là giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.
Đối với chính sách về mức dư nợ vay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị giữ nguyên mức cho phép TP được vay không quá 90% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp được quy định trong Nghị quyết để bảo đảm dự nguồn ngân sách triển khai các dự án lớn về chi đầu tư phát triển, cải tạo đô thị.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và TP Hà Nội tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết, có lộ trình nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật khi kết thúc các cơ chế chính sách thí điểm, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về cơ chế chính sách cho TP sửa đổi Luật Thủ đô để áp dụng khi hết thời hạn Nghị quyết 115.