Chiều 27/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung – Trưởng ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản, cùng lãnh đạo các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP nhận định, số ca nhiễm trên thế giới sẽ sớm vượt qua mốc 3 triệu người, số tử vong tiệm cận 300.000 người. Qua ý kiến của các chuyên gia, Chủ tịch UBND TP lưu ý, để có vaccine an toàn cho người, không thể rút ngắn thời gian mà vẫn phải đảm bảo thử nghiệm từ 15-18 tháng. Các chuyên gia cũng cảnh báo, các nước sẽ phải đối phó với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh vào mùa thu, mùa đông tới. “Dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm, chỉ khi nào có vaccine mới có thể yên tâm”, Chủ tịch UBND TP nói.
Nêu dự báo thế giới sẽ có cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, kéo dài nhiều năm và “không phải năm một năm hai có thể tăng trưởng cao trở lại”, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP dù đã có kịch bản nhưng cũng đang cập nhật, đánh giá lại để có kịch bản cụ thể phù hợp hơn nữa với các giải pháp thời hậu Covid -19 để đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.
Nêu việc đã có 6 trường hợp sau thời gian điều trị đã âm tính được về nhà nhưng sau đó dương tính trở lại. Vì vậy Hà Nội đã tổ chức xét nghiệm toàn bộ tương tự. Tuy kết quả đều âm tính, nhưng TP khuyến cáo các trường hợp này nên tự cách ly 30-40 ngày; tăng cường hệ miễn dịch bằng ăn uống, tập luyện thể thao.“Không có căn cứ nào xác định người nhiễm bệnh đã khỏi sẽ không mắc bệnh trở lại. Người dân cần hiểu để nắm rõ việc này để có ý thức tự giác phòng chống dịch bởi “không ai bảo vệ cho mình bằng chính mình”, Chủ tịch khuyến cáo.
Lưu ý việc giảm giãn cách xã hội phải thực hiện từ từ, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị tiếp tục tuyên truyền để tất cả mọi người tiếp tục thực hiện nghiêm túc, tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền để người dân tiếp tục chống dịch. Trong đó có 3 nội dung bắt buộc: Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách khi di chuyển ngoài xã hội... các nội dung này sẽ không một sớm một chiều mà thực hiện trong thời gian dài.
Nêu việc TP đang xây dựng hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Chỉ thị 19 của Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đang xây dựng, nhưng theo ý kiến các chuyên gia, đáng lo ngại nhất chính là tình hình giao thông rất đông vào buổi sáng. Các ngã tư dừng đèn đỏ không bảo đảm khoảng cách 1m, thậm chí đứng chen chúc nhau.
TP tính đến khả năng các cửa hàng không thiết yếu như thời trang, mỹ phẩm... khuyến khích sau 9h sáng mới mở cửa, không giới hạn thời gian đóng cửa. Chủ tịch cho biết, qua khảo sát thực tết, khung giờ này các cửa hàng không có doanh thu cao, do vậy, sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Dự thảo này đang được thành phố xây dựng, xin ý kiến, các khung giờ hoạt động sẽ được quy định cụ thể và TP cũng đã nghiên cứu kỹ để vừa đảm bảo phòng dịch vừa không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp.
“Nếu làm được điều này, sẽ giảm được mật độ của người tham gia giao thông khung giờ từ 6h đến 8h30 phút. Cụ thể, theo tính toán, có thể giảm được 600.000 – 800.000 người tham gia giao thông giờ cao điểm”, Chủ tịch phân tích.
Dự kiến, những việc này thực hiện đến 31/12/2020, sau đó sẽ tổng kết, đánh giá lại, nếu hiệu quả sẽ thực hiện tiếp.
Các nước có thể đối mặt với làn sóng dịch thứ 2
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tại Việt Nam, đến ngày 27/4 ghi nhận 270 ca mắc, trong đó 225 trường hợp được công bổ khỏi bệnh, chưa có trường hợp tử vong. Riêng Hà Nội có tổng cộng 112 ca mắc (85 trường hợp được công bố khỏi bệnh).
Hà Nội đã có ngày thứ 12 (kể từ ngày 15/4/2020) không xuất hiện ca mắc mới; từ tuần thứ 14 (có số ca mắc cao nhất) đến nay số ca mắc liên lục giảm qua các tuần: Tuần 14 (25 ca mắc), tuần 15 (15 ca mắc), tuần 16 (4 ca mắc) và tuần 17 không ghi nhận ca mắc. Đặc biệt tại 2 ổ dịch Hạ Lôi - Mê Linh và ổ dịch thôn Đông Cứu - Dũng Tiến - Thường Tín không phát sinh ca mắc mới.
Dịch bệnh COVID-19 trên Thế giới và một số nước xung quanh khu vực vẫn diễn biến biến phức tạp, đáng lưu ý số ca mắc tại Singapore những ngày gần đây tăng nhanh, phần lớn là lao động nhập cư. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo các nước có thể đối mặt với làn sóng dịch thứ 2 xâm nhập từ bên ngoài.
Sở Y tế nhận định, Hà Nội vẫn là địa phương có nguy cơ vì còn ổ dịch chưa qua 28 ngày, mặt khác tới đây có các chuyến bay đưa người Việt Nam trở về nước, do vậy không thể chủ quan, lơ là mà cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch với 2 nhiệm vụ: phát hiện kịp thời ca bệnh xâm nhập để cách ly, điều trị và kiểm soát không để phát sinh ca nhiễm mới tại cộng đồng.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hình thành thói quen mới như đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn môi trường trong gia đình, tại nơi làm việc..
Cho biết, mấy ngày qua, nhiều người dân lại đổ ra đường, tụ tập đông người, và có nhiều trường hợp không đeo khẩu trang; các quán ăn sáng số lượng người đông, không đảm bảo giãn cách…Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, TP sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trở lại nhằm đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch. Kiểm tra, xử lý vi phạm không đeo khẩu trang khi ra đường; xử lý đối với các cơ sở không tuân thủ quy định; hướng dẫn người dân không tụ tập đông người ở nơi công cộng để phòng, chống dịch...
Trước tình hình cả nước đã có nhiều ca tái dương tính sau khi được điều trị, Hà Nội cũng tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lại cho những người bệnh Covid-19 dã khỏi bệnh ra viện và tiếp tục giám sát việc cách ly, theo dõi sức khỏe 14 ngày tại nhà/nơi cư trú…
Kiến nghị, hết ngày 5/5 dỡ lệnh phong tỏa thôn Hạ Lôi
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, tại ổ dịch thôn Hạ Lôi có 13 bệnh nhân, kể từ bệnh nhân thứ 13 được công bố ngày 15/4, đến nay chưa phát sinh ca mới. Trong số 13 bệnh nhân có 2 bệnh nhân số 253 và 258 đã có kết quả âm tính 3 lần, tuy nhiên vẫn ở lại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục theo dõi.
Huyện Mê Linh thực hiện nghiêm chỉ thị 16 về cách ly xã hội của Chính phủ đến hết 30/4, thôn Hạ Lôi của xã Mê Linh thực hiện nghiêm túc cách ly y tế, không chủ quan, lơ là công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Huyện cũng xây dựng kịch bản tháo dỡ vùng cách ly thông Hạ Lôi, trong đó, nếu đến hết ngày 5/5 không có ca mắc mới, Ban chỉ đạo huyện đề xuất Ban chỉ đạo TP tháo dỡ quyết định cách ly.
Hộ trợ đúng đối tượng bị ảnh hưởng của Covid -19Tại phiên họp, Phó Chủ tịch, Phó Trưởng BCĐ Nguyễn Doãn Toản thông tin, ngay sau khi có Nghị quyết 42 của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị đặc biệt là Sở Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn đến các quận, huyện, xã, phường triển khai lập danh sách các đối tượng theo quy định của Nghị quyết 42 và Quyết định số 15 của Chính phủ. Với cách làm khẩu trương, nghiêm túc, đến nay đã có sơ bộ danh sách các đối tượng.
Theo Phó Chủ tịch, trước mắt, thành phố sẽ tổ chức nhanh hỗ trợ các nhóm đối tượng đã xác định là: người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo. Trên cơ sở danh sách thành phố quản lý, Phó Chủ tịch đề nghị các quận, huyện chủ động chi trả, tạm ứng kinh phí triển khai. Sau khi tổng hợp đầy đủ các nguồn, các đối tượng, thành phố sẽ ban hành chính sách, trong đó, quy định cụ thể nguồn thực hiện. Đối với quận, huyện khó khăn, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí theo đề nghị của từng đơn vị.Đối với các lao động tự do, trên cơ sở hướng dẫn của Sở Lao động Thương binh và Xã hội và văn bản của thành phố, đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo rà soát, tổng hợp đầy đủ đối tượng, không bỏ sót nhưng cũng không đưa đối tượng không đúng vào danh sách…