Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Hà Nội có nhiều chỉ tiêu cải cách hành chính về đích trước thời hạn

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại Hội nghị Công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 diễn ra sáng nay (19/5), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, công tác CCHC của Hà Nội tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TP đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ, các chương trình, Kế hoạch CCHC của TP, với nhiều chỉ tiêu hoàn thành sớm và về đích trước thời hạn được đề ra trong Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tham luận tại điểm cầu TP Hà Nội
Nổi bật về công tác chỉ đạo, điều hành, công tác CCHC tiếp tục được TP xem là 1 trong 3 khâu đột phá trong công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng giai đoạn 2015-2020 và được thực hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ TP. TP tiếp tục kiên trì với phương châm 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt” trong chỉ đạo, điều hành; gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ; xác định rõ người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện về kết quả thực hiện công tác CCHC. TP đã chủ động, xây dựng xong hệ thống công cụ đánh giá kết quả công tác CCHC thống nhất, đồng bộ trong toàn TP; triển khai việc giám đốc sở đánh giá trưởng phòng chuyên môn cấp huyện thuộc ngành dọc, chủ tịch UBND cấp huyện đánh giá trưởng phòng và chủ tịch UBND cấp xã trực thuộc. Năm 2020, TP tiếp tục nghiên cứu, xây dựng “Bộ Chỉ số đánh giá tính sáng tạo và năng lực điều hành của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các quận, huyện, thị xã”.
Cùng đó, Hà Nội đã xây dựng và triển khai hệ thống theo dõi, kiểm đếm, đôn đốc các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND TP giao nhằm xác định rõ kết quả, tiến độ và trách nhiệm của từng sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Đồng thời, đã triển khai xây dựng lịch công tác tuần và đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức toàn TP; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoạt động công vụ, giao tiếp ứng xử với người dân, DN. 
Đáng chú ý, theo Chủ tịch UBND TP, một số kết quả nổi bật trong cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức; ứng dụng CNTT trong việc giải quyết TTHC có thể kể đến là: TP hoàn thành xây dựng và công bố 1.717 quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của các sở, cơ quan tương đường sở, UBND quận, huyện, thị xã và UBND phường, xã, thị trấn (đạt 100%). 100% quy trình nội bộ giải quyết TTHC đã được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của UBND TP và niêm yết tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC của đơn vị. 100% TTHC thuộc trách nhiệm giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc TP được tiếp nhận tại bộ phận “một cửa”. TP cũng đã thực hiện rà soát, thông qua phương án đơn giản hóa  154 TTHC trong các lĩnh vực; lũy kế đến nay, đã đơn giản hóa 481 TTHC với số chi phí tiết giảm thực hiện TTHC cho tổ chức, cá nhân khoảng trên 91 tỷ đồng/năm. 
Song song đó, TP đã rút ngắn thời gian xử lý công việc, đảm bảo tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn. Tổng số hồ sơ năm 2019 của toàn TP là 11,5 triệu hồ sơ; trong đó, tiếp nhận trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính 8,7 triệu hồ sơ, tiếp nhận trực tuyến 2,5 triệu hồ sơ; số hồ sơ giải quyết đúng hạn là 11,4 triệu hồ sơ (đạt 99,1%). Riêng trong quý I/2020, tổng số hồ sơ giải quyết là 1,87 triệu hồ sơ; giải quyết đúng hạn đạt trên 99,8%. Số TTHC được liên thông và cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng mở rộng, với 1.424/1.611 TTHC trên toàn TP, đạt 89%; trong đó 388 TTHC mức 4. Số hồ sơ tiếp nhận trên Công DVC TP đạt hơn 320.000 hồ sơ. TP cũng đã tích hợp ứng dụng biên lai điện tử, dịch vụ bưu chính công ích trên hệ thống. Đặc biệt, trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, tổng số hồ sơ DVC mức độ 4 đạt 23,6%. Việc giải quyết hồ sơ TTHC, DVC trực tuyến các cấp trên TP thực hiện tập trung tại Hệ thống một cửa điện tử TP dùng chung 3 cấp và các hệ thống thông tin chuyên ngành dùng chung (lĩnh vực giáo dục, y tế); đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã kết nối 48 DVCTT lên Công DVC Quốc gia. Phấn đấu hết tháng 6/2020 sẽ đưa thêm 200 DVC lên Cổng DVC quốc gia.
 Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội
Đáng kể, TP đã và đang triển khai việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân sử dụng các DVC tại một số tổ dân phố, mô hình khu dân cư điện tử; hướng dẫn thực hiện DVCTT mức độ 3, 4, cho các em học sinh khối THCS nhằm thông qua các em học sinh, thực hiện tuyên truyền tới gia đình và cộng đồng dân cư, tạo tiền đề để xây dựng “công dân điện tử” và “Thành phố thông minh”; bố trí công chức và cộng tác viên giới thiệu, hướng dẫn tư vấn miễn phí cho tổ chức và công dân về DVCTT mức 3, 4. TP còn chủ động xây dựng kế hoạch, tiến hành triển khai khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, DN đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công tại 22/22 sở, ngành, 30/30 quận, huyện, thị xã với 16.000 phiếu; khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong cung cấp 4 lĩnh vực dân sinh cơ bản: cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, giáo dục, y tế với 12.000 phiếu. Đồng thời, 100% quận, huyện, thị xã tiến hành các cuộc khảo sát độc lập để đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức tại bộ phận “một cửa” cấp huyện và xã, phường, thị trấn trực thuộc với tổng số hơn 28.000 phiếu.
Từ đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, qua thực tiễn triển khai công tác CCHC, TP rút ra bài học kinh nghiệm là, TP luôn bám sát các chương trình, kế hoạch của T.Ư; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để kịp thời cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch của TP với quan điểm chỉ đạo: Các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu của TP phải bằng hoặc cao hơn mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu của Chính phủ đề ra; xây dựng lộ trình và giải pháp đảm bảo thực hiện được trong từng năm, từng giai đoạn và phấn đấu có nhiều chỉ tiêu hoàn thành sớm và về đích trước thời hạn. Cùng đó, trong mỗi giai đoạn CCHC, TP đều lựa chọn một hoặc một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, nổi bật, có những giải pháp, sáng kiến trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; động viên, khuyến khích các đơn vị đổi mới, sáng tạo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, đặc biệt là kiểm tra việc công khai, tiếp nhận và giải quyết TTHC; thái độ giao tiếp, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.