Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chữa bệnh hình thức trong kê khai tài sản

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thời gian qua vẫn còn mang nặng tính hình thức. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do Thanh tra Chính phủ vừa công bố để lấy ý kiến được đánh giá sẽ kiểm soát, siết chặt việc kê khai tài sản để phòng, chống tham nhũng.

 Ảnh minh họa.

Hình thành cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập
Hơn 20 năm qua, các cơ quan đã thực hiện biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, qua tổng kết, đánh giá, việc kê khai của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn mang nặng tính hình thức. Nhận định này xuất phát từ việc đa số kê khai đầy đủ, đúng mẫu, đúng thời hạn nhưng rất khó để có thể xử lý được những người kê khai không trung thực. Để tăng biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thì phải xây dựng quy định khả thi hơn. Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 đã có nhiều quy định mới và Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được xây dựng nhằm cụ thể hóa các quy định của luật.
Để kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức, cần thiết phải có sự tham gia giám sát, phát hiện, tố giác của người dân và báo chí. Sự vào cuộc của người dân, báo chí góp phần làm trong sạch hệ thống cán bộ trong bộ máy Nhà nước và họ có quyền kiến nghị, tố giác nếu thấy nghi ngờ và các cơ quan Nhà nước cần vào cuộc xác minh, trả lời đơn thư, bảo vệ người tố giác... theo quy định của Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng.
Luật sư Nguyễn Thị Hải Yến - Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Viết (Hà Nội)
Để tránh việc kê khai hình thức, không trung thực, thậm chí tẩu tán tài sản, Dự thảo Nghị định đã đưa ra biện pháp về hình thành cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập. Theo đó quy định Thanh tra Chính phủ là một trong những cơ quan tiếp nhận, quản lý các bản kê khai tài sản, thu nhập của chức danh lãnh đạo từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên. Đồng thời, một cơ quan chuyên trách về kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập sẽ được thành lập, có đặc quyền trong việc xác minh ngẫu nhiên khi nghi ngờ về tính trung thực của bản kê khai. Từ những thông tin, phản ánh về dấu hiệu không trung thực, cơ quan này có trách nhiệm xác minh, thẩm tra. Đặc biệt, cơ quan này có quyền yêu cầu các cơ quan khác cung cấp thông tin, nếu thấy dấu hiệu nghi ngờ tẩu tán tài sản, có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức đình chỉ giao dịch, phong tỏa tài khoản… Điểm mới này được dư luận đánh giá là khâu then chốt trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập, khiến cho việc kê khai không còn mang tính hình thức.
Định danh tài sản tham nhũng
Bên cạnh đó, một trong những điểm mới của Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là cho phép mở rộng khả năng thu hồi tài sản. Trước đây, quy định tài sản tham nhũng là tài sản của người có hành vi tham nhũng nhưng thực tế họ chuyển tài sản cho người khác đứng tên. Do vậy, tài sản tham nhũng phải được hiểu là tài sản có nguồn gốc tham nhũng, nghĩa là vốn nó có nguồn gốc từ tham nhũng nhưng đã được chuyển dịch. Ngoài ra, khi hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản cán bộ, việc kiểm soát, thẩm tra, xác minh sẽ rất thuận tiện. Tài sản, thu nhập có thể ở nhiều chỗ, có thể giám sát được bằng công cụ tin học.
TS Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho hay, để tăng tính tự giác, trung thực của người kê khai có rất nhiều biện pháp. Ngoài quy định về kê khai phải rõ ràng, có cơ quan chuyên trách theo dõi, giám sát, Dự thảo Nghị định còn nhấn mạnh đến quyền kiểm tra, xác minh. Thậm chí, luật còn quy định cả việc xác minh một cách ngẫu nhiên mà không cần bất kỳ điều kiện nào, để tạo ra sự công bằng cũng như đề cao tính tự giác, trung thực của người kê khai. Trước mắt, các đơn vị liên quan cố gắng xác minh ngẫu nhiên 5 - 10% tổng số lượng kê khai và tăng dần, để làm sao ngày càng có nhiều bản kê khai được xác minh.
Quy định này sẽ khiến người kê khai phải thấy rằng, nếu không trung thực, nguy cơ bị phát hiện rất lớn. Về nguyên tắc việc kê khai đề cao tính tự giác nhưng cũng có những cơ chế để tố cáo việc kê khai không trung thực hoặc cơ quan chuyên trách thấy việc kê khai không hợp lý có quyền yêu cầu giải trình. Nếu bị phát hiện không trung thực, hình thức xử phạt sẽ rất nặng. Trường hợp cán bộ, công chức không trung thực có thể bị buộc thôi việc, còn lãnh đạo có thể bị bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.