Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa có đề nghị kéo dài nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam

Minh Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, hiện Việt Nam đang tập trung làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại họp báo trực tuyến chiều 14/5. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Ngày 14/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi phóng viên liên quan đến thông tin cho rằng Việt Nam mong muốn duy trì Chủ tịch luân phiên ASEAN thêm một năm để bù đắp lại thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Trong ASEAN chưa có ý kiến nào đề nghị kéo dài nhiệm kỳ Chủ tịch của Việt Nam”.

Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, hiện Việt Nam đang tập trung làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Thời gian qua, dù có những khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Việt Nam đã và đang phát huy tốt vai trò Chủ tịch trong thúc đẩy đoàn kết, chủ động thích ứng của ASEAN trước dịch bệnh, tiếp tục duy trì đà hợp tác, triển khai hiệu quả các ưu tiên trong năm 2020.

Trả lời câu hỏi về thời điểm tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, bà Hằng cho biết, ngày 19/3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi lãnh đạo các nước ASEAN và New Zealand đề nghị điều chỉnh thời điểm tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và Hội nghị lãnh đạo ASEAN và New Zealand đến cuối tháng 6/2020 do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong khu vực và trên thế giới.

Người Phát ngôn thông tin thêm, Việt Nam đang tích cực tham vấn với các quốc gia liên quan về thời điểm cụ thể tổ chức các hội nghị này, và thông tin về thời điểm cụ thể sẽ được thông báo sau khi các bên thống nhất.

Ngày 14/4, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh Covid-19 theo hình thức trực tuyến. Các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của ASEAN và các nước ASEAN+3 trong ngăn ngừa và loại bỏ các nguy cơ của dịch bệnh đe dọa cuộc sống người dân, ổn định tình hình kinh tế-xã hội các quốc gia thành viên.