Manh mún, nhỏ lẻ
Thôn Hội, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất có 114 hộ dân, trong đó hầu hết các hộ dân đều làm thuần nông với diện tích đất nông nghiệp là 27,2ha. Cây trồng chủ yếu trên địa bàn thôn là lúa, lạc và một số cây rau màu khác. Những năm qua, UBND huyện, Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất đã tích cực hỗ trợ các hộ dân tập huấn kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất. Tuy nhiên, theo Trưởng thôn Nguyễn Văn Phú, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính đơn thuần tự cung, tự cấp, thiếu tính đột phá nên thu nhập không cao. Bình quân thu nhập đầu người của thôn hiện mới đạt 7 - 8 triệu đồng/người/năm.
Tại huyện Ba Vì, chăn nuôi là thế mạnh và là ngành chủ lực của các xã vùng núi, trong đó chủ yếu là chăn nuôi gia súc như trâu, bò, lợn theo hướng nạc. Các xã miền núi có hơn 5.800 con bò sữa, chiếm trên 80% tổng đàn bò sữa toàn huyện, tập trung chủ yếu ở các xã Vân Hòa, Tản Lĩnh, Yên Bài. Ngoài ra, còn một số mô hình trồng cây dong giềng, thuốc Nam ở các xã Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang. Tuy nhiên, theo UBND huyện Ba Vì, các mô hình này chưa được nhân rộng và thiếu tính đột phá nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo tại các xã miền núi của huyện cao, từ 13 - 20,9%.
Phát huy thế mạnh
Các vùng đồng bào dân tộc miền núi của toàn TP có diện tích trên 33.000ha với dân số hơn 65.000 người. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ hộ nghèo ở các xã vùng dân tộc miền núi còn cao (bình quân 11%) so với tỷ lệ chung vùng nông thôn toàn TP là 5%. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng phương thức sản xuất còn lạc hậu, chưa gắn với thị trường, chất lượng sản phẩm thấp. Do đó, việc phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân các xã này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu Chương trình 02 của Thành ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân.
Để đẩy mạnh sản xuất tại các xã miền núi, theo ông Bạch Công Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, các sở, ngành của TP đã có giải pháp bàn giao diện tích đất của các nông lâm trường quản lý kém hiệu quả về cho địa phương. Cùng với đó là giải pháp giao đất rừng cho đồng bào dân tộc phát triển các mô hình trồng thuốc Nam kết hợp trồng và chăm sóc rừng. Đồng thời TP cũng có cơ chế, định mức hỗ trợ sản xuất cho nhân dân các xã khó khăn để giảm nghèo bền vững, nhất là các biện pháp hỗ trợ giải quyết việc làm, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện miền núi.
Ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng ban Dân tộc Thành ủy cho biết, tinh thần chỉ đạo của Thành ủy trong thời gian tới là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các xã vùng dân tộc miền núi phải phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng xã, vùng. Trong đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh, sản xuất tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa gắn với thị trường. Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, đồi rừng, lâm nghiệp toàn diện gắn với bảo vệ rừng và dịch vụ du lịch.
Trồng cây thuốc Nam cho thu nhập cao tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì. Ảnh: Quang Thiện
|