Hơn hai tuần sau cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 ở thành phố Osaka của Nhật Bản với kết quả là hai bên tạm ngừng leo thang căng thẳng và quyết liệt trong cuộc xung khắc thương mại, mối quan hệ song phương này chưa kịp dịu đã lại thêm găng. Chuyện mới xảy ra không liên quan gì đến trao đổi thương mại hay hợp tác kinh tế song phương mà mang tính chính trị ngoại giao và địa khu vực, vì thế nó nhạy cảm và khó có thể được xử lý hơn nhiều bản thân cuộc xung khắc thương mại kia.
Ảnh minh họa. |
Trước tiên là việc Mỹ thực hiện phi vụ bán vũ khí mới cho Đài Loan trị giá 2 tỷ USD nất chấp mọi sự phản đối và cảnh báo của Trung Quốc. Trung Quốc đã đã đáp trả Mỹ bằng việc áp dụng những biện pháp chính sách trừng phạt những công ty trên thế giới, đương nhiên chủ yếu và trước hết là những công ty của Mỹ, có liên quan đến phi vụ bán vũ khí này cho Đài Loan. Tiếp đến là việc phía Mỹ để cho người đứng đầu chính quyền Đài Loan, bà Thái Anh Văn, quá cảnh và lưu lại vài ngày ở Mỹ nhân chuyến thăm mấy quốc gia ở khu vực châu Mỹ duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Rồi đến việc đích thân ông Trump phàn nàn cho rằng Trung Quốc tiền hậu bất nhất trong đàm phán thương mại với Mỹ. Đàm phán chưa được nối lại mà từ phía Mỹ chỉ toàn thấy những đánh giá và dự báo không mấy lạc quan.
Qua đó có thể thấy được là lần đàm phán thương mại sắp đến này giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ rất gay go chứ không dễ dàng kết thúc thành công và phía Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị dư luận cho những bước đi tiếp theo, bất kể đàm phán thương mại kết thúc thành công hay không thành công và dùng những bước đi tiếp theo này để gia tăng áp lực đối với Trung Quốc. Có thể thấy đàm phán thương mại dẫu có kết thúc thành công hay không thành công thì mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc mới chỉ có thể bớt căng thẳng và khúc mắc chứ chưa thể được cải thiện một cách cơ bản. Phía Mỹ công khai biểu lộ những con chủ bài khác nữa trong cuộc chơi cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Với cuộc xung khắc thương mại, Mỹ chỉ gây khó khăn cho Trung Quốc về kinh tế và thương mại. Nhưng với việc duy trì mối quan hệ đặc biệt với Đài Loan và cam kết bảo đảm an ninh cho Đài Loan, Mỹ khúc mắc với Trung Quốc về ngoại giao và chính trị an ninh khu vực không chỉ ở Eo biển Đài Loan mà còn cả ở khu vực Đông Bắc Á, khu vực Biển Đông và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đều nhằm vào những phân khúc nhạy cảm nhất trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc và có thể khiến Trung Quốc luôn phải cảm nhận thấy là nhức nhối nhất.
Với cuộc gặp nhau ở Osaka vừa rồi, ông Trump và ông Tập Cận Bình cho thấy là hai bên dẫu găng nhau đến mấy và đến bao giờ thì cũng vẫn sẽ không để cho mối quan hệ song phương này bị đổ vỡ hoàn toàn. Cứ mỗi lần nguy cơ đổ vỡ ấy xuất hiện thì rồi hai bên sẽ lại cùng nhau xuống thang căng thẳng bằng một cuộc gặp nhau mới giữa hai người này với nhau, gặp nhau chính thức hoặc bên lề sự kiện quốc tế nào đấy. Họ sẽ lại thoả thuận với nhau là hai bên gặp gỡ và đối thoại để tìm giải pháp nhưng đều biết rằng mọi giải pháp thoả thuận được chỉ là tình thế và nhất thời. Và việc hai bên chưa kịp dịu đã lại găng với nhau như hiện tại sẽ còn nhiều lần xảy ra.
Nguyên do của tình trạng này và chiều hướng diễn biến như thế của mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc là ông Trump có quan điểm chính sách đối với Trung Quốc và cách thực hiện nó khác biệt cơ bản với những người tiền nhiệm và là Trung Quốc đã trở nên khác trước về mọi phương diện theo hướng mạnh lên cả về tiềm lực kinh tế và thương mại lẫn kỹ thuật công nghệ cao và quân sự, tự tin và quyết liệt hơn trên phạm vi thế giới chứ không chỉ có châu lục hay khu vực. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc như thế hiện tại cũng như trong tương lai khiến các nước khác trên thế giới thêm khó xử.