Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa nâng lãi suất cơ bản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hồi tuần trước, FED bất ngờ nâng lãi suất chiết khấu khiến các nhà đầu tư hồ hởi hy vọng lãi suất cho vay cũng sắp được nâng lên.

KTĐT - Hồi tuần trước, FED bất ngờ nâng lãi suất chiết khấu khiến các nhà đầu tư hồ hởi hy vọng lãi suất cho vay cũng sắp được nâng lên.

Đôla Mỹ mất giá sau khi Chủ tịch FED bỏ phiếu ủng hộ lãi suất cơ bản thấp. Tuy nhiên, đồng euro vẫn chưa tận dụng được cơ hội này khi tình hình ở Hy Lạp ngày càng rối ren.


Trong bài phát biểu trước Quốc hội hôm thứ tư, Cục Dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke cho biết thị trường lao động yếu ớt và nguy cơ lạm phát yếu ớt là những yếu tố khiến FED sẽ kéo dài mức lãi suất thấp thêm một thời gian nữa. Bài phát biểu này đập tan những đồn đoán về việc nâng lãi suất cơ bản trong thời gian sắp tới.

ben bernanke
Khẳng định chưa vội tăng lãi suất của FED khiến cổ phiếu giới ngân hàng lập tức tăng giá. Ảnh: Reuters

Hồi tuần trước, FED bất ngờ nâng lãi suất chiết khấu khiến các nhà đầu tư hồ hởi hy vọng lãi suất cho vay cũng sắp được nâng lên. Sự phấn chấn này khiến USD tăng điểm so với đồng euro và gây áp lực lên thị trường vàng thế giới.

Lần này, chứng khoán Mỹ lập tức tăng 1% điểm do cổ phiếu của giới ngân hàng tăng giá sau tuyên bố của Ben Bernanke. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 91,75 điểm, lên 10.374,16 điểm. Standard & Poor's 500 tăng 10,64 lên 1.105,24 điểm. Bank of America là người được lợi nhiều nhất khi cổ phiếu của họ tăng 2.45%.

Trong khi đó cổ phiếu của các công ty xây dựng lao dốc khi số liệu của chính phủ cho thấy doanh số bán nhà mới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 47 năm. Chỉ số xây dựng Dow Jones Home mất 0,7% điểm.

Báo cáo cho thấy trong tháng 1 vừa rồi, doanh số bán nhà mới giảm tới 11,2% so với tháng 12, chỉ còn 309.000 nhà. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 1963 và là tháng thứ 3 liên tiếp giảm doanh số. Nhu cầu vay tiền mua nhà cũng giảm xuống mức thấp nhất suốt 13 năm qua trong tuần vừa rồi. Những số liệu này khiến giới đầu tư lo ngại rằng thị trường nhà đất Mỹ tiếp tục rơi vào trạng thái yếu ớt.

Cùng lúc đó, đà tăng của đôla Mỹ bị chững lại trước thông tin từ FED và báo cáo doanh số nhà. Tuy nhiên, đồng euro cũng không được hưởng lợi nhiều từ diễn biến này do những bất ổn của kinh tế khu vực châu Âu. Cuối phiên giao dịch ngày thứ tư tại New York, một euro đổi được 1,3525 USD, tăng nhẹ so với mức 1,3496 USD của 24 giờ trước đó. Một đôla Mỹ nay tương đương được 90,17 yen Nhật, giảm so với mức 90,18 yen hôm qua. Chỉ số ICE Dollar giảm từ 80,877 xuống còn 80,847 điểm.

Những thông tin trái ngược giữa hai khu vực Mỹ và Âu khiến giá vàng loay hoay chưa rõ xu hướng trong phiên giao dịch tại châu Á sáng nay. Tính đến 9h37 sáng theo giờ Hà Nội, một ounce vàng vẫn ở 1.097,50 USD, chỉ nhích nhẹ 0,30 USD so với mở cửa.

Giá dầu tăng nhẹ ở đầu phiên giao dịch tại sàn New York Mercantile nhưng lại quay về xu thế giảm trước áp lực chốt lời của giới đầu tư. Mức giá thực hiện giao dịch cho hợp đồng giao tháng 4 vào cuối ngày 24/2 giảm 1,26 USD, còn 79,05 USD một thùng.

Tổ chức đánh giá Standard & Poor hôm qua cho biết họ có thể một lần nữa hạ mức tín nhiệm tín dụng của Hy Lạp vào cuối tháng 3 tới, với mức giảm từ 1 đến 2 bậc, do tình hình kinh tế nước này vẫn đang yếu ớt. Cảnh báo này làm nặng nề thêm nỗi lo lắng mang tên Hy Lạp trên thị trường tài chính. Trong vòng hai tháng qua, Hy Lạp là nguyên nhân chính khiến giá euro giảm gần 10% so với đồng đôla Mỹ. Hồi tháng 12, S&P cũng từng hạ điểm Hy Lạp từ mức A- xuống BBB+.

Chưa nâng lãi suất cơ bản - Ảnh 1
Cảnh sát chống bạo động đang ngăn chặn một người biểu tình tại thủ đô Athens của Hy Lạp hôm thứ tư. Ảnh: Reuters

Trong khi đó tại Hy Lạp, tình hình ngày càng bất ổn khi hàng chục nghìn người xuống đường biểu tình phản đối các biện pháp giải quyết khó khăn của chính phủ nước này. Trước đó, trong nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách, Chính phủ Hy Lạp cắt giảm hoặc tạm thời không nâng lương, trả lương đối với một số khu vực kinh tế nhà nước, giảm ưu đãi thuế cho một số khu vực khác và tăng thuế nhiên liệu.

akio toyoda
Chủ tịch kiêm CEO của Toyota, ông Akio Toyoda, (trái) và ông Yoshimi Inaba, Chủ tịch kiêm CEO của Toyota khu cực Bắc Mỹ (phải) đang tuyên thệ trước khi bắt đầu bài giải trình trước Quốc hội Mỹ về tính an toàn của các sản phẩm xe Toyota. Ảnh: AP

Trước Quốc hội Mỹ ngày hôm qua, Chủ tịch Toyota, ông Akio Toyoda nhắc đi nhắc lại lời xin lỗi với Quốc hội cùng hàng triệu người Mỹ về những sự cố kỹ thuật trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, giới làm luật của Mỹ vẫn tỏ ra giận dữ và cho rằng chỉ xin lỗi không thôi thì chưa đủ. Việc giải trình của Chủ tịch Toyota trước Quốc hội Mỹ diễn ra sau vụ thu hồi 8,5 triệu xe hơi, trong đó 6 triệu xe ở thị trường Mỹ, để sửa lỗi liên quan đến chân ga. Tại Mỹ, Toyota hứa sẽ đến tận nhà khách hàng để sửa nếu được yêu cầu và trả tiền thuê xe khác cho khách hàng đi lại trong quá trình sửa chữa.