Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa phải lúc dạy ngoại ngữ thứ 2

Thủy Trúc-Trung Anh ghi
Chia sẻ Zalo

Dù chiều 22/9, Bộ GD&ĐT đã “đăng đàn” giải thích rõ hơn về Đề án Ngoại ngữ quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, trong đó có việc thí điểm dạy tiếng Nga và tiếng Trung cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12, song vẫn không đủ để giải tỏa bức xúc trong người dân.

Chưa cần định vị tiếng Nga và tiếng Trung là ngoại ngữ 1 (bắt buộc) hay ngoại ngữ 2 (tự chọn), thì ngay cả các chuyên gia giáo dục cũng hoài nghi về tính khả thi của “ý tưởng” này. Rất nhiều người khẳng định: Bây giờ chưa phải lúc để dạy ngoại ngữ thứ 2.

Ông Nguyễn Quốc Hùng M.A – nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Hà Nội:

Chưa nên đưa ngoại ngữ thứ 2 vào trường phổ thông

Có đưa thêm ngoại ngữ nữa vào trường phổ thông hay không thì phải nhìn toàn cảnh. Hiện chúng ta đang hội nhập, trước mắt cần dạy ngôn ngữ tiếng Anh tương đối vững vàng để phục vụ việc này. 30 năm nay, chúng ta đã đầu tư cho việc dạy và học tiếng Anh nhưng hiệu quả không cao. Đến năm 2014, Bộ GD&ĐT thí điểm tự chọn môn tiếng Anh để thi tốt nghiệp THPT nhưng toàn quốc chỉ có 16% học sinh đăng ký. Đến năm 2015, theo phổ điểm thi THPT quốc gia mà Bộ GD&ĐT công bố có đến gần 90% học sinh bị trượt tiếng Anh vì nằm trong khung 1 – 4,5 điểm. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 vừa rồi, trình độ tiếng Anh của học sinh vẫn thế, khoảng 88,25% trượt tiếng Anh.

Một vấn đề nữa, hiện nay, chương trình phổ thông tương đối nặng, học sinh học hết sức khổ sở. Với tình trạng như thế, Bộ GD&ĐT lại đưa tiếng Nga, Trung và các tiếng khác vào phổ thông và bắt học sinh phải học. Như vậy, ngoài tiếng Anh, các em học thêm một ngoại ngữ nữa, đồng nghĩa cùng một lúc 1 học sinh phải học 2 thứ tiếng, rất khó kham nổi. Trong hoàn cảnh hiện tại, Đề án Ngoại ngữ 2020 có mười mấy nghìn tỷ đồng đầu tư mà trình độ tiếng Anh của học sinh còn như thế, thì không nên đưa thêm thứ tiếng khác vào phổ thông bởi tính khả thi không cao. Chúng ta nên để thêm một thời gian nữa, khi đã củng cố và nâng trình độ tiếng Anh lên, lúc đó đưa thứ tiếng khác vào cũng chưa muộn.

Tôi thấy, hiện nay Bộ GD&ĐT vẫn nên phát triển các ngoại ngữ khác ở những nơi cần thiết, có nhu cầu. Ví dụ, Đại học Hà Nội có đào tạo tiếng Anh, Pháp, Trung, Nga, Nhật, Hàn, Italia, Tây Ban Nha,… năm nào cũng có hàng trăm học sinh thi vào mỗi ngành. Bộ có thể đầu tư thêm cho những nơi có nhu cầu như thế để trình độ giáo viên ra trường được nâng cao, để không phải đào tạo lại. Thứ hai, Bộ  GD&ĐT nên quy định những trường đào tạo về y học, sinh viên ngành đông y phải học tiếng Trung sẽ hợp lý hơn.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam:

Cần thiết nhưng quan trọng là hiệu quả

Việc Bộ GD&ĐT lựa chọn tiếng Trung, Nga, Hàn, Nhật… vào dạy học ở bậc phổ thông là cần thiết. Nhưng vấn đề là phải tính toán mang lại hiệu quả và có sự chuẩn bị chu đáo để tránh trường hợp “leo cột mỡ’ rất lãng phí. Và điều quan trọng học tiếng nào là tùy theo yêu cầu của từng trường, nhu cầu của học sinh chứ không thể triển khai đại trà. Tôi thấy, hiện nay việc dạy và học tiếng Anh đối với Việt Nam là hết sức cần thiết, nên được bắt đầu khi các bé vào học mầm non để có sự tiếp thu dễ dàng. Và từ lớp 3 thì đưa thêm thứ tiếng khác vào. Học sinh có thể lựa chọn một trong những ngoại ngữ ấy, chứ sao học hết được.

Còn việc thời gian gần đây Bộ GD&ĐT hay dùng từ “thí điểm” trong các chỉ đạo triển khai các hoạt động tôi lại có suy nghĩ khác. Khi chúng ta làm bất cứ việc gì thì phải thí điểm trong phạm vi nhỏ để rút kinh nghiệm xem có được hay không. Khi thí điểm mang lại thành công sẽ triển khai nhân rộng, hoặc ngược lại thì dẹp bỏ mà thiệt hại không lớn lắm. Nhưng Bộ GD&ĐT đã không đúng ở chỗ thí điểm nhưng lại làm đại trà. Khi chúng ta chưa làm, không đánh giá và kết luận, vội vàng làm rộng rãi, cuối cùng thất bại thì đã xem người ta như những con chuột bạch.

Ông Nguyễn Tuấn Hải – Giám đốc Giáo dục trường phổ thông liên cấp Alfred Nobel School:

Nên theo nhu cầu của học sinh và thị trường

Chúng ta cần theo đuổi phương hướng, nguyên tắc biến tiếng Anh thành công cụ ngôn ngữ cho giáo dục và các ngoại ngữ khác là các môn tự chọn theo sở thích hoặc nhu cầu của HS, bất kể đó là ngoại ngữ gì ngoài tiếng Anh.

Như vậy việc đưa tiếng Nga, Trung hay Nhật vào giảng dạy đều như nhau. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay tôi cho rằng hoàn toàn không nên, vì hệ thống giáo dục và chương trình của ta đang có nhiều vấn đề cần giải quyết thay vì làm những việc chỉ gây cho HS thêm sức ép về khối lượng như thế này. Hơn nữa, nếu chúng ta tiếp cận theo phương án là ngoại ngữ tự chọn, tôi dám chắc sẽ không có HS lựa chọn ngôn ngữ này. Vậy thì cứ theo nhu cầu của HS và thị trường. Còn việc dạy tiếng Anh trong trường phổ thông của Việt Nam mấy chục năm qua phải khẳng định là không hiệu quả và sai về cả nội dung và phương pháp. Chúng ta chỉ dạy ngữ pháp và làm bài tập tiếng Anh chứ không dạy các kỹ năng thực hành và 2 nội dung đọc và viết luận. HS của ta ngại nói và sợ nghe tiếng Anh. Nói thế đủ hiểu là chúng ta phải thay đổi tận gốc cách thức giảng dạy môn học này để tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ mang tính công cụ cho HS chứ không phải là một ngoại ngữ.