Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, lúc 17 giờ 30 phút chiều 29/9, Ban Quản lý (BQL) chung cư Palm Heights (địa chỉ số 2 đường số 4, khu phố 3, phường An Phú, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) tổ chức vui Trung thu cho các cháu là con của cư dân và nhân viên sinh sống tại chung cư. BQL chung cư phát bánh cho khoảng 200 người (khoảng 150 trẻ em và khoảng 50 người lớn). Trong đó, nhân viên tên là Út được cho bánh đem về nhà trọ và để vào tủ lạnh.
Sáng 30/9, chị Út cùng gia đình ăn bánh được cho này, đến chiều cùng ngày, bé gái 6 tuổi là con của chị Út xuất hiện triệu chứng nôn ói, tiêu chảy. Đến 23 giờ tối 1/10, bé diễn biến nặng nên gia đình đưa đi cấp cứu, nhưng bé tử vong.
Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, phải đến sáng thứ hai (2/10), Ban QLATTP mới nắm thông tin qua kênh riêng và chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Phòng Y tế TP Thủ Đức vào cuộc (trước đó Công an TP Thủ Đức đã vào cuộc điều tra). Sau đó, Ban QLATTP thanh tra cửa hàng bán bánh nằm trên đường Điện Biên Phủ, rồi đến nơi sản xuất bánh ở quận Tân Phú để kiểm tra (trước đó công an cũng đã tới trước), lấy mẫu: sữa, trứng, bơ…, đến nay tạm thời đánh giá và chưa có kết luận chính thức nguyên nhân bánh su kem bị nhiễm khuẩn lúc nào. Còn nhiễm khuẩn bởi chủng nào thì cũng chưa kết luận mà để ngành y tế kết luận.
“Ban QLATTP lấy mẫu kiểm nghiệm, thì cũng đã chậm. Vì tối thứ sáu (29/9) xảy ra vụ việc, đến sáng thứ hai (2/10) mới lấy mẫu. Giá như Công an TP Thủ Đức thông tin lập tức, giá như mẹ cháu bé hoặc BQL chung cư báo cho cơ quan chức năng. Tuy chậm, nhưng tất cả người tham gia bữa tiệc trung thu này đều được lấy mẫu dịch tễ, đến ngày 3/10 có 19 nạn nhân nhập viện. Nếu thông tin sớm thì chúng ta có thể giải quyết kịp thời, vì nếu một số em thể trạng yếu, có bệnh nền mà không kịp thời xử lý thì cực kỳ nguy hiểm”, bà Phong Lan nói.
Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, khi đi thanh tra lấy mẫu bánh, cũng may người dân chung cư vẫn lưu 2 mẫu; cơ sở sản xuất bánh cũng lưu bánh sản xuất ngày 29/9. Sản phẩm bánh được bao gói kín, do đó những thông tin được cộng đồng quan tâm, cần đưa thông tin thận trọng, không suy diễn. Vì một trong những hướng hành động của Ban QLATTP là chống thực phẩm bẩn; đồng thời kêu gọi người dân nếu phát hiện cơ sở nào sản xuất thực phẩm bẩn, không an toàn thì báo Ban QLATTP. Cơ sở sản xuất bánh trong vụ ngộ độc lần này là cơ sở có thương hiệu, lâu đời ở TP, ngày 29/9 cơ sở này bán ra 1.300 sản phẩm, trong đó bán cho chung cư nêu trên 230 sản phẩm.
“Hiện nay, chúng tôi nhận thấy từ cửa hàng bán bánh ở quận Bình Thạnh đến nơi sản xuất ở quận Tân Phú, đều đáp ứng những tiêu chuẩn sản xuất, nhưng vẫn phải chờ kết quả kiểm định mới có kết luận sau cùng. Phải khẳng định, chúng ta tuyên truyền chưa tốt để người dân nhận thấy nguy hiểm luôn rình rập xung quanh. Em bé tử vong không dự tiệc mà chiếc bánh su kem đó được mẹ đem về nhà”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Hồ Quang (Một Thế Giới) là Ban QLATTP có đi kiểm tra công ty sản xuất bánh trước khi xảy ra vụ bé gái tử vong hay không? Bà Phong Lan nói: “Công ty này đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện QTTP ngày 21/3/2021. Trên địa bàn TP có rất nhiều công ty sản xuất kinh doanh thực phẩm, trong qúa trình hoạt động phải chịu sự thanh tra, kiểm tra. Ban QLATTP đều lên kế hoạch kiểm tra ít nhất 1 lần trong 1 năm, nếu trong quá trình hoạt động có thông tin vấn đề thế nào thì mới thanh tra đột xuất. Qua thanh tra đột xuất, nhận thấy công ty không vi phạm gì, vì đây là doanh nghiệp lớn, nhà máy đạt chuẩn”.
Cũng theo bà Phạm Khánh Phong Lan, ngay khi báo chí vừa thông tin, ngày 3/10 Cục ATTP đã có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh và UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có chỉ đạo UBND TP Thủ Đức chỉ đạo kiểm tra đối với những sản phẩm là hàng hóa làm từ thiện. Đối với hàng hóa làm từ thiện thường không đăng ký kinh doanh, các cơ quan chức năng ở địa phương chỉ phối hợp xử lý khi có sự việc xảy ra. Hiện nay, Ban QLATTP cũng đã thống kê những cơ sở làm từ thiện về các bữa ăn để hướng dẫn họ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi làm từ thiện cho người dân.
Sau khi vụ ngộ độc bánh su kem làm chết bé gái 6 tuổi, Sở Y tế TP ghi nhận tại chung cư Palm Heights có khoảng 50 trường hợp cùng có triệu chứng ngộ độc thực phẩm giống nhau như: đau bụng, sốt, nôn ói, tiêu phân lỏng nhiều lần (gồm nhân viên, nhà thầu, người thân của nhân viên và trẻ dự tiệc Trung thu).
Liên quan đến vụ bé gái tử vong do ăn bánh su kem, tại buổi họp báo, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hải Nam cho biết thêm, sau khi có thông tin vụ việc ăn bánh su kem rồi tử vong, Sở Y tế cử đoàn chuyên gia khảo sát vào ngày 3/10, đến ngày 4/10 Hội đồng chuyên gia Sở Y tế họp xác định nguyên nhân nhiễm khuẩn do thực phẩm.
“Khả năng rất cao là bánh đã nhiễm khuẩn trước buổi tiệc trung thu. Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân, hiện nay mẫu bánh đang được đem phân tích và chưa có kết quả. Tuy nhiên thông qua 2 ca (người nước ngoài) được cha mẹ đưa tới khám tại TP Thủ Đức, cho kết quả dương tính loại vi khuẩn Salmonella spp. Ngoài ra, hiện còn 17 trẻ cũng bị ngộ độc do ăn bánh su kem, đang nằm điều trị rải rác ở các bệnh viện trong TP, sức khỏe các trẻ ổn định, Sở Y tế tiếp tục theo dõi để ứng phó kịp thời. Sở cũng chỉ đạo các bệnh viện tập trung nhân lực chữa trị cho các nạn nhân; đảm bảo trang thiết bị, thuốc…”, ông Nguyễn Hải Nam nói.
Khi một số phóng viên báo đài hỏi về trách nhiệm của Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) khi trả bé gái về nhà, sau đó bé gái lại nhập viện lần nữa? Ông Nguyễn Hải Nam cho rằng đây là trường hợp diễn biến phức tạp, khó nhận biết. Hiện ngành y tế đang tiếp tục chỉ đạo tập trung nguồn lực chữa trị đối với các ca đang nằm viện.