Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng trăm tiểu thương Đà Nẵng nguy cơ bỏ chợ vì mặt bằng cao:

Chưa thống nhất phương án giải quyết

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và Công ty TNHH MTV chợ siêu thị Đà Nẵng đã có buổi làm việc liên quan vấn đề “xung đột giá” khiến gần 500 tiểu thương nguy cơ bỏ chợ, nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất được phương án giải quyết.

Chưa thống nhất phương án

Như Kinh tế & Đô thị phản ánh, gần 500 tiểu thương tại chợ siêu thị Đà Nẵng (đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê) đang đối diện nguy bỏ chợ vì buôn bán ế ẩm, trong khi giá thuê mặt bằng được chủ đầu tư dự kiến tăng từ 360 nghìn đồng lên mức 681 nghìn đồng/m2/tháng.

Ghi nhận thực tế, nhiều chủ ki ốt phải tắt điện, đóng cửa để giảm bớt chi phí, một số treo biển sang lại. Đáng nói, có nhiều chủ quầy buôn bán quá ế đã “bỏ chạy” buộc chủ đầu tư phải dán thông báo đề nghị thanh toán tiền thuê mặt bằng, hoặc thu hồi lô.

Công ty TNHH MTV chợ siêu thị Đà Nẵng cho biết, một trong những nguyên nhân phải điều chỉnh tăng giá thuê mặt bằng là vì giá thuê đất theo chu kỳ mới tăng đột biến. Cụ thể, chu kỳ từ 2013-2014, công ty được miễn tiền thuê đất. Chu kỳ 2015-2019, công ty được UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ tiền thuê đất là 1,158 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, đến chu kỳ 2020-2024, mức đơn giá thuê đất mới đã tính lại theo Thông báo số 3791/TB-CTDAN ngày 3/10/2022 của Cục thuế Đà Nẵng là hơn 2,122 tỷ đồng/năm nhưng công ty chưa nhận được thông báo của TP về việc có tiếp tục hỗ trợ tiền thuê đất với mức 1,158 đồng/năm như đã áp dụng trong chu kỳ 2015-2019.

Chợ siêu thị Đà Nẵng. Ảnh: Quang Hải
Chợ siêu thị Đà Nẵng. Ảnh: Quang Hải

Vì vậy, ngày 11/10/2023, ông Lê Trí Thọ - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV chợ siêu thị Đà Nẵng có công văn gửi UBND TP Đà Nẵng, Sở Tài chính, Sở Công Thương với nội dung: công ty chỉ tạm chấp nhận với giá tối đa dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ do Sở Tài chính thẩm định là 393 nghìn đồng/m2/tháng (không bao gồm tiền điện, tiền nước, tiền trông coi hàng hóa, tiền vệ sinh) và dự kiến sẽ dừng hoạt động từ ngày 1/12/2023.

Để giải quyết vấn đề “xung đột giá” tại chợ khiến hàng trăm tiểu thương đối diện nguy cơ đổ nợ, bỏ chợ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH MTV chợ siêu thị Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH MTV chợ siêu thị Đà Nẵng cho biết, sau cuộc họp, hai bên vẫn chưa tìm được phương án tối ưu để giải quyết vấn đề.

Cụ thể tại cuộc họp, phương án Công ty TNHH MTV chợ siêu Thị Đà Nẵng đưa ra cho tiểu thương thuê mặt bằng (ki ốt) từ 360 nghìn đồng/m2/tháng tăng lên 681 nghìn đồng/m2/tháng (giá tối đa) nhưng Sở Tài chính Đà Nẵng dự thảo tối đa là 393 nghìn đồng/m2/tháng, giá bình quân 218 nghìn đồng/m2/tháng là không phù hợp với thực tế.

Ông Nguyễn Thanh Hoàng cho rằng, đề án sắp xếp của Sở Công Thương ngày 3/11/2011 thì diện tích dành cho chợ truyền thống tại chợ siêu thị Đà Nẵng là 1.915m2. Với giá tối đa như đề xuất của công ty là 681 nghìn đồng/m2/tháng thì tỷ suất lợi nhuận là 81,3% (lãi tương ứng 281,439 triệu đồng/tháng).

Tuy nhiên tại thời điểm xây dựng phương án giá, diện tích khai thác kinh doanh chợ truyền thống thực tế tại đây chỉ 1.108m2. Với mức giá tối đa 681 nghìn đồng/m2/tháng thì tỷ suất lợi nhuận 11.6% (tương ứng lãi 1 tháng gần 39 triệu đồng, 1 năm gần 475 triệu đồng, chu kỳ 5 năm là 2,3 tỷ (nếu được truy thu từ năm 2020).

Với giá tối đa Sở Tài chính dự thảo là 393 nghìn đồng/m2/tháng, giá bình quân 218.442đồng/m2/tháng thì tỷ suất lợi nhuận sẽ âm 35,57%, tương ứng lỗ 1 tháng hơn 121 triệu đồng, 1 năm 1,4 tỷ đồng và chu kỳ 5 năm là 7,2 tỷ đồng.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV chợ siêu thị Đà Nẵng cũng cho rằng, theo bảng kê khai lợi nhuận bình quân trong 3 năm 2020, 2021, 2022 của doanh nghiệp là 11% và Sở Tài chính dựa vào số liệu kết quả kinh doanh này áp đặt cho là không hợp lý. Vì thế, doanh nghiệp không chấp thuận cách tính này.

“Lợi nhuận có cả phần kinh doanh thương mại dịch vụ chứ không phải của riêng chợ. Nếu tách riêng phần lợi nhuận thương mại dịch vụ và kinh doanh chợ truyền thống riêng biệt thì phần kinh doanh bình quân 3 năm của chợ lỗ 100%”, ông Nguyễn Thanh Hoàng cho biết.

Doanh nghiệp đề xuất 2 phương án

Ngay sau cuộc họp với Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, Công ty TNHH MTV chợ siêu thị Đà Nẵng đã có công văn cung cấp thêm các số liệu và đề xuất 2 phương án để UBND TP Đà Nẵng xem xét.

Phương án 1, phía công ty kiến nghị đồng ý tỷ lợi suất nhuận là 11,35% như Sở Tài chính Đà Nẵng đã thẩm định thì giá bình quân phải là 281 nghìn đồng/m2/tháng và giá tối đa sử dụng diện tích bán hàng tại chợ siêu thị là 505 nghìn đồng/m2/tháng (không bao gồm tiền điện, tiền nước, tiền trông coi hàng hóa, tiền vệ sinh).

Buôn bán ế ẩm, trong khi giá mặt bằng cao khiến nhiều tiểu thương đóng quầy, một số "bỏ chạy". Ảnh: Quang Hải
Buôn bán ế ẩm, trong khi giá mặt bằng cao khiến nhiều tiểu thương đóng quầy, một số "bỏ chạy". Ảnh: Quang Hải

Phương án 2, doanh nghiệp đề nghị được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo  Công ty TNHH MTV chợ siêu thị Đà Nẵng, với mức giá tối đa mà Sở Tài chính thẩm tra, hằng năm doanh nghiệp lỗ gần 1,5 tỷ đồng, lỗ cho 1 chu kỳ từ 2020-2024 là hơn 7,2 tỷ đồng.

“Chính vì thế, công ty chúng tôi đề nghị được chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất chợ sang đất thương mại dịch vụ để chủ động kinh doanh, khai thác hết các vị trí còn lại nhằm bù đắp khoản lỗ này nếu UBND TP phê duyệt như giá tối đa mà Sở Tài chính đã thẩm tra, cụ thể là 393 nghìn đồng/m2/tháng”, công văn của công ty kiến nghị.