Nhóm bất động sản giao dịch sôi động
VN-Index kết tuần tăng 28,59 điểm (+2,34%) lên mốc 1.252,23 điểm. HNX-Index kết tuần tại mốc 235,15 điểm (+5,77 điểm, tương ứng 2,52%). Độ rộng thị trường phiên cuối tuần nghiêng mạnh về bên mua với 315 cổ phiếu tăng giá, trong đó 28 mã tăng kịch biên độ, 33 cổ phiếu giảm giá, 29 cổ phiếu tham chiếu tại HOSE. HNX giao dịch với 149 cổ phiếu tăng giá, 56 cổ phiếu tham chiếu và 32 cổ phiếu giảm giá.
Tuy có một phiên thứ 6 cuối tuần với thanh khoản cải thiện, nhưng tổng kết tuần trên cả 2 sàn giảm so với tuần giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh -14,6% tại HOSE và -13,9% tại HNX.
Khối ngoại tuần này tích cực mua ròng với +1.072,694 tỷ đồng tại HOSE, trong đó mã HDB (+733,8 tỷ), KDC (+452,7 tỷ), FPT (+378,7 tỷ), VNM (+309,7 tỷ) và MWG (+307,6 tỷ)... ở chiều ngược lại, bán ròng HPG (-604,7 tỷ), ròng VHM (-498,5 tỷ)...
Cùng với đó, mua ròng tuần này từ khối ngoại cũng diễn ra trên sàn HNX với +40,281 tỷ đồng, tập trung tại các mã PVS (+56,7 tỷ), NTP (+14,4 tỷ) và IDC (+5,7 tỷ), chiều bán ròng nổi bật với TNG (-17,3 tỷ), DTD (-9 tỷ), BVS (-7,8 tỷ)...
Nhóm ngành tích cực nhất góp phần cho sự tăng điểm của thị trường tuần này là Bất động sản dân cư với trụ VHM (+3,23%), TCH (+9,34%), NVL (+4,82%), CEO (+8,63%). Cùng với đó, nhóm Bất động sản khu công nghiệp khởi sắc với VGC (+5,38%), KBC (+5,56%), SZC (+6,03%),…
Ghi nhận trong tuần này, một số ngành khác chứng kiến nhiều mã giảm điểm điểm như ngành Điện với GEG (-8,19%), NT2 (-2,27%), POW (-2,89%), VSH (-3,2%),...; nhóm ngành Thép giao dịch trong sắc đỏ với HPG (-1,73%), NKG (-2,82%), HSG (-2,4%), SMC (-2,8%),...
Trên thị trường phái sinh, ở tuần đáo hạn này, tổng kết VN30F2409 +23,1 điểm (+1,83%), đóng cửa tại 1.262,5 điểm. Chênh lệch -3,68 điểm so với VN30, các kỳ hạn xa hơn là VN30F2410 VN30F2412 VN30F2503 chênh lệch từ -1,88 điểm đến -2,48 điểm so với VN30. Tổng khối lượng hợp đồng giao dịch -32,1% so với tuần trước và thấp hơn mức trung bình 20 tuần.
Theo Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), tuần tới của VN30F2409 sẽ có xu hướng kiểm định lại vùng 1.280 điểm. Khối lượng mở OI kết tuần này là 35.191 giảm mạnh so với tuần gần nhất là 59.080 phản ánh hành động tất toán bớt các hợp đồng tại tuần đáo hạn.
Nhà đầu tư nên chờ thị trường điều chỉnh ngắn hạn
Với VN-Index, xu hướng ngắn hạn của được nhận định đã tích cực hơn. Chỉ số đang lấy lại vùng hỗ trợ tâm lý mạnh 1.250 điểm và ngắn hạn cũng đã phá vỡ đường xu hướng giảm giá ngắn hạn hiện nay.
Theo SHS, VN-Index có thể gặp áp lực chốt lời ngắn hạn những phiên đầu tuần sau trước khi quay trở lên chinh phục lại kháng cự 1.250 điểm một lần nữa. Tương tự, VN30 khả năng cần điều chỉnh trước khi kiểm tra lại vùng kháng cự quanh 1.290 điểm.
Về trung hạn, các chuyên gia tại SHS cho rằng, VN-Index vẫn dao động trong biên độ rộng 1.180 - 1.300 điểm từ đầu năm đến nay. Nếu VN-Index có thể vượt lên lại kháng cự quanh 1.250 điểm thì vẫn kỳ vọng xu hướng trung hạn quay trở lại kênh tích lũy 1.250 điểm - 1.300 điểm.
Vì vậy, nhà đầu tư ngắn, trung hạn nên duy trì tỉ trọng hợp lý, hạn chế mua đuổi khi VN-Index hồi phục lên vùng 1.250 điểm, nên chờ chỉ số VN-Index điều chỉnh ngắn hạn (dự kiến là những phiên đầu tuần sau) trước khi mở vị thế mua mới.
Trong ngày giao dịch cuối cùng của tuần (16/8), Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh đã chính thức đưa 5,2 triệu chứng chỉ quỹ của Quỹ ETFABFVN DIAMOND (mã chứng khoán: FUEABVND) vào giao dịch. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 9.894,97 đồng (NAV/CCQ tại ngày 15/8/2024), với biên độ dao động giá ±20%.
Quỹ ETF ABFVN DIAMOND là quỹ hoán đổi danh mục (ETF) có thời hạn hoạt động không xác định, được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ ngày 23/01/2024, do Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán An Bình (ABF) quản lý và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam giám sát.