Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 12/1: Cổ phiếu ngân hàng tăng không "gánh" nổi thị trường

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sức tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng là không đủ để cứu thị trường thoát khỏi giảm điểm trong phiên hôm nay.

Cổ phiếu ngân hàng kéo chỉ số VN-Index không bị giảm sâu

Hôm nay tiếp tục là một phiên thăng hoa của cổ phiếu ngân hàng khi đây là nhóm cổ phiếu duy nhất tăng điểm của thị trường. 6 cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số VN-Index đều là cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể gồm: MBB tăng 3,39%, CTG tăng 1,61%, ACB tăng 2,18%, TCB tăng 1,46%, STB tăng 1,36%, SHB tăng 1,65%. Nhóm cổ phiếu này đóng góp 5 điểm vào chỉ số chung. Chỉ có sức tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng là không đủ để cứu thị trường thoát khỏi giảm điểm.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu này cũng góp công lớn trong việc kéo chỉ số khiến VN-Index không bị giảm sâu khi thị trường diễn biến tiêu cực. Kết phiên 12/1, chỉ số VN-Index chỉ giảm 7,52 điểm, tương đương 0,65%, xuống 1.154,7 điểm mặc dù số mã giảm trên sàn HoSE gấp gần 3 lần số mã tăng. Chỉ số VN30-Index thậm chí còn nhích tăng 0,1 điểm. Điều này là nhờ lực đẩy mạnh từ cổ phiếu ngân hàng.

Toàn thị trường có 204 mã tăng, 530 mã giảm
Toàn thị trường có 204 mã tăng, 530 mã giảm

Ngoài cổ phiếu ngân hàng, tất cả các nhóm ngành còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Cổ phiếu bất động sản "rực lửa", đa số giảm trên 1%. Rất nhiều mã giảm mạnh trên 2% như: NVL giảm 3,26%, KBC giảm 2,52%, DIG giảm 2,59%, TCH giảm 2,3%, HDG giảm 2,34%, ITA giảm 3,83%, CII giảm 3,72%, CRE giảm 2,82%, DPG giảm 2,66%, KHG giảm 3,17%... Riêng BCG ngược dòng tăng mạnh 3,58%.

Sắc đỏ cũng bao trùm nhóm sản xuất. Trong đó, HPG giảm 1,27%, VNM giảm 1,03%, MSN giảm 1,97%, GVR giảm 3,77%, VGC giảm 2,09%, DCM giảm 2,63%, DPM giảm 2,38%...

Cổ phiếu chứng khoán cũng giảm điểm nhưng không quá nhiều. Các mã vốn hóa lớn như SSI, VND, VCI đều chỉ giảm chưa tới 1%, VIX giảm 1,45%, FTS giảm 1,24%, VDS giảm 2,31%... nhưng sắc xanh cũng hiện lên ở HCM, BSI, APG.

Thanh khoản thị trường hôm nay ở mức cao, đạt hơn 21.000 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng nhẹ 11,7 tỷ, tiếp tục tập trung vào các cổ phiếu ngân hàng: VCB (77 tỷ), SHB (78 tỷ), VPB (58 tỷ)... Ở chiều ngược lại, VNM là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với hơn 104 tỷ, BCM hơn 102 tỷ...

Vồn hoá Vietinbank chính thức "vượt mặt"  VIC trên bảng xếp hạng Top 10 

Thời gian qua, cùng với đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng, CTG của VietinBank cũng có đà bứt tốc đáng kể tính từ đầu năm 2024 đến khi kết phiên 12/1, cổ phiếu này tăng 4.400 đồng/cp, tương đương 16,24% lên 31.500 đồng/cp. Vốn hóa thị trường VietinBank tăng lên 169.155 tỷ đồng, chính thức vượt qua vốn hóa 164.417 tỷ đồng của VIC.  

Về kết quả kinh doanh, CTG đã công bố KQKD Q3/2023 tích cực với LNTT tăng 17,2% so với cùng kỳ đạt 4.871 tỷ đồng nhờ thu nhập lãi thuần (tăng 30,1% so với cùng kỳ) tăng mạnh, chi phí hoạt động (tăng 4,8% so với cùng kỳ) được kiểm soát tốt và chi phí dự phòng (giảm 10,6% so với cùng kỳ) giảm. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, LNTT đạt 17.401 tỷ đồng (tăng 10,4% so với cùng kỳ), bằng 73% dự báo của HSC cho cả năm 2023 và sát kỳ vọng.

CTG được đánh giá là một trong những ngân hàng có hoạt động kinh doanh ổn định và phát triển liên tục qua các năm bất chấp những khó khăn của thị trường. Đây cũng là một trong những ngân hàng kiểm soát tốt nhất chi phí hoạt động khi tỷ lệ CIR thấp thứ 2 toàn ngành. Chất lượng tài sản ổn định với tỷ lệ NPL hiện tại là 1.37%, đồng thời CTG có bộ đệm dự phòng rủi dày ở Top 2 hệ thống, điều này giúp cho CTG kiểm soát rủi ro tốt hơn các ngân hàng khác đồng thời tạo lợi thế tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới. Tỷ trọng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp thấp (chiếm 0,36% dư nợ tín dụng) và dư nợ bất động sản trong danh mục thấp. Theo đó, với vị thế top ngân hàng thương mại Nhà nước kỳ vọng năm 2023 và năm 2024, CTG sẽ kiểm soát tốt rủi ro tín dụng.