Chứng khoán 14/2: Bluechip giảm sâu, VN-Index đứng thấp nhất ngày

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Phiên giao dịch hôm nay, thị trường chứng khoán bị chốt lời mạnh trong giá thấp, VN-Index giảm mạnh. Trong đó, VN30 nhiều mã chìm sâu trong sắc đỏ, kéo chỉ số VN-Index đứng thấp nhất ngày.

Bước vào phiên giao dịch buổi sáng, ngay đợt khớp ATO đầu phiên, nhóm VN30 chỉ có 2 mã giao dịch trong sắc xanh là GAS và PLX, còn lại là nằm trong sắc đỏ. Chỉ số VN-Index đã rơi mạnh về dưới mốc 1.485 điểm.

Đợt khớp lệnh liên tục, một số mã trong rổ VN30 mới bật xanh trở lại, tuy nhiên lực cầu yếu, cùng với đó là các nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép đều bị bán mạnh trong giá thấp, chỉ còn lại nhóm xăng dầu được hưởng lợi từ giá nhiên liệu tăng đi lên.

Cụ thể, nhóm xăng dầu tăng tốt có GAS tăng 2,7%; PLX tăng trên 3%; ngoài ra PVD tăng 2,3%. Cổ phiếu VIC sau 5 phiên giảm mạnh liên tục tuần trước, sáng nay đã bật tăng gần 0,5%, có lúc tăng hơn 2%. Nhóm cổ phiếu chứng khoán sáng nay chỉ có VIX tăng 2,6%, phần còn lại đều giảm điểm.

Trong khi đó, rổ VN30 giảm mạnh có các mã ngân hàng HDB giảm mạnh mất 4,17%; BID giảm 3,34%; các mã VCB, TCB, CTG, STB. Một số mã ngân hàng ngoài rổ VN30 cũng giảm mạnh như SSB giảm 3,27%, SHB, OCB đều giảm hơn 2%; các mã ACB, MBB, VPB, VIB, TPB, LPB cùng giảm hơn 1%.Nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm sâu cũng có SSI giảm 1,7%, HCM giảm 3,1%, VCI giảm 2,6%, VND giảm 1,5%...

Nhóm cổ phiếu ngành thép HPG, HSG, POM, SMC, TLH đều đứng giá dưới tham chiếu, chỉ có NKG tăng 1,4%.Nhóm cổ phiếu bất động sản (BĐS) chỉ có VIC tăng nhẹ như nói ở trên; còn VHM, NVL, PDR, KDH trong rổ VN30 đều giảm hơn 1%. Ngoài ra, các cổ phiếu nhỏ và vừa nhóm BĐS giảm trên dưới 2% như FLC, VCG, DXG, TCH…; trong đó, FLC khớp hơn 16,22 triệu đơn vị khớp lệnh.

Sáng nay, cổ phiếu HAG bị bán tháo mạnh nhất. Nguyên nhân là theo quy định tại Nghị định 155 về việc huỷ niêm yết bắt buộc, HAG đã lỗ liên tiếp 3 năm và buộc phải giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. Giới đầu tư đã bán tháo cổ phiếu HAG trong mức giá sàn, mất 6,9%, khớp lệnh 10,7 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 14,1 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 317 mã giảm, chỉ có 119 mã tăng, VN-Index giảm 12,54 điểm, tương đương giảm 0,84%, xuống 1.489,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 474 triệu đơn vị, giá trị hơn 14.774 tỷ đồng, tăng 29% về khối lượng và tăng 12,7% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 11/2.

Nhóm VN30 giảm mạnh, kéo chỉ số VN-Index lùi về đứng thấp nhất ngày.
Nhóm VN30 giảm mạnh, kéo chỉ số VN-Index lùi về đứng thấp nhất ngày.

Bước vào phiên giao dịch buổi chiều, lực cung giá thấp tiếp tục tung vào thị trường. Nhóm cổ phiếu VN30 chỉ có 6 mã tăng là GAS, PLX, SAB, VJC, VIC, MSN. Phần còn lại đều lùi sâu hơn phiên sáng.

Tăng tốt trong nhóm VN30 là VJC tăng 5,4% lên 139.000 đồng/CP; SAB tăng 5,2% lên 167.900 đồng/CP; GAS tăng 4,5% lên 116.000 đồng/CP; PLX tăng 1,3% lên 60.200 đồng/CP; MSN tăng 1,2% lên 151.600 đồng/CP.Mặc dù những mã kể trên tăng mạnh, nhưng chỉ hãm đà rơi sâu của chỉ số. Bởi phần còn lại của rổ VN30 có 24 mã giảm mạnh. Trong đó, tập trung vào các cổ phiếu ngân hàng.

Cụ thể, một số mã giảm đến giá sàn và gần mức sàn. Như STB giảm sàn mất 6,9%; TPB giảm gần sát mức sàn mất 6,7%; BID giảm 6,6%; CTG giảm 6%; HDB giảm 6,4%; MBB giảm 5,7%. Ngoài ra các mã giảm trên 4% như VPB, VCB, TCB, ACB, VRE. Các mã giảm từ 2% đến trên 3% như MWG, VHM, SSI, HPG; còn GVR, BVH, VNM giảm từ 1,1-1,9%. Các mã PNJ, PDR, NVL, KDH, FPT giảm từ 0,1-0,7%.

Thanh khoản cao nhất sàn HOSE vẫn tập trung vào cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, STB khớp 37,4 triệu đơn vị; MBB khớp 27,3 triệu đơn vị; VPB khớp 19,9 triệu đơn vị; TCB khớp 18,7 triệu đơn vị; HDB và TCG cùng khớp trên 15 triệu đơn vị. Ngoài ra, HPG khớp 18,2 triệu đơn vị.

Nhóm ngành ngân hàng ngoài STB giảm sàn còn có LPB cũng đứng giá sàn, khớp 17,7 triệu đơn vị. Cả nhóm chỉ có EIB tăng 2,1%.

Cùng với đó, nhóm chứng khoán cũng có VCI đứng giá sàn. Ngoài ra, các mã giảm sâu như CTS giảm 5,6%; FIT giảm 4,4%; HCM giảm 4%; TVS giảm 4,7%; VND giảm 4,9%; VDS giảm 3,8%; SSI giảm 3,3%; BSI giảm 4,3%; AGR giảm 3,9%; BCG giảm 3,4%; các mã giảm trên dưới 2% như TVB, ORS, OGC, APG.

Nhóm BĐS – xây dựng cũng bị phân hoá mạnh, trong đó có một số mã tăng tốt như DIG vẫn “nóng” đứng giá trần, khớp gần 6,6 triệu đơn vị; cùng tăng trần còn có CCI, VRC, CIG.

Ngược lại, một số mã giảm sàn như TTB, TGG, CKG. Giảm sâu từ trên 2% đến trên 6% như FLC, ROS, HAR, HQC, ITC, NBB, NVT, PTL, QCG, TDC, TEG… Trong đó, FLC khớp 22,65 triệu đơn vị; ROS khớp 10,66 triệu đơn vị.

HAG vẫn bị bán ở mức giá sàn giảm 6,9% đứng tại 11.550 đồng/CP, khớp 11,2 triệu đơn vị, dư bán giá sàn trên 16,1 triệu đơn vị; HNG cũng giảm mạnh 6,41%, khớp 13,1 triệu đơn vị.

Nhóm thép ngoài HPG giảm sâu còn có HSG giảm 2,16%, khớp 9,7 triệu đơn vị; POM giảm 2,36%; VIS giảm 0,6%; chỉ có TDL, NKG tăng hơn 1%.

Chốt phiên chiều, sàn HOSE có 132 mã tăng và 322 mã giảm, VN-Index giảm mạnh 29,75 điểm, tương đương giảm 1,98% xuống 1.471,96 điểm, đứng mức thấp nhất ngày. Tổng khối lượng giao dịch đạt 810,7 triệu đơn vị, giá trị gần 25.920,89 tỷ đồng, tăng 27,4% về khối lượng và tăng gần 20% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.

Sàn HNX, nhóm HNX30 dù có mã BĐS là CEO, L14 tăng tốt cũng với 2 mã xăng dầu là PVS và PVC, nhưng có nhiều mã vẫn giảm sâu, khiến HNX-Index cũng lùi xuống mức thấp nhất ngày.

Cụ thể, CEO tăng 5,4%; L14 tăng 4,3%; NBC tăng 6,9%; PVS và PVC tăng 2,8% và 2,6%; DXP tăng 2,1%. Ngược lại, cổ phiếu chứng khoán SHS giảm mạnh 5%; TAR giảm 4,7%; TVC giảm 3,7%; LAS giảm 4%; NTP giảm 3,3%; IDC giảm 3%; các mã HUT, BVS, NDN giảm trên dưới 2%.Trong đó PVS khớp cao nhất sàn HNX với 14,6 triệu đơn vị; SHS khớp 3,6 triệu đơn vị; CEO khớp 5,59 triệu đơn vị.

Đóng cửa phiên chiều, sàn HNX có 68 mã tăng và 159 mã giảm, HNX-Index giảm 5,88 điểm, tương đương giảm 1,38% xuống 421,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 78,6 triệu đơn vị, giá trị 2.267,4 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần