Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 17/5:  Khối ngoại gom HPG, công ty con của Vingroup muốn tăng vốn

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Áp lực bán tăng vọt trong phiên chiều, sắc đỏ áp đảo trên thị trường. VN-Index đóng cửa chỉ giảm hơn 5, điểm, nhờ các bluechip VHM, VIC, VCB nỗ lực giữ giá. Ba trụ cột này đỡ lại 1,8 điểm cho VN-Index.

Cổ phiếu lớn bị bán mạnh

Tuy nhiên, ở rổ VN30, số cổ phiếu giảm đã tăng lên áp đảo, với 23/30 mã. Nhóm ngân hàng giao dịch không mấy tích cực, khi VPB giảm 2,04%, CTG giảm 1,61%, TCB giảm 1,58%, MBB giảm 1,86%. Đó là 4 mã kéo tụt điểm nhiều nhất của VN-Index. Không có gì bất ngờ khi cổ phiếu ngân hàng yếu đã tác động mạnh hơn lên VN30-Index, khiến chỉ số này đóng cửa giảm 0,7%. Trong toàn nhóm ngân hàng trên các sàn chỉ có 4 mã tăng nhưng tới 18 mã giảm, trong đó 12 mã giảm hơn 1%.

Nhìn chung, dòng tiền vẫn chưa mặn mà với cổ phiếu lớn. Dòng tiền vẫn hướng tới các mã vừa và nhỏ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như LDG, CIG, DXS, QCG, TDC của bất động sản, xây dựng, hay các mã đơn lẻ như AGM, HTL, SMA, THI, cặp đôi TCH-HHS, QBS… Nhóm bất động sản có phần tích cực hơn thị trường chung. Dòng tiền đầu cơ vẫn ưu ái nhóm này, LDG, DXS, QCG tăng trần.

Áp lực bán tăng vọt trong phiên chiều 17/5, sắc đỏ áp đảo trên thị trường
Áp lực bán tăng vọt trong phiên chiều 17/5, sắc đỏ áp đảo trên thị trường

Dù vậy, không ít cổ phiếu trong ngành như HBC, SJS, NTL, KDH, ITC, KBC, NVL ngập trong sắc đỏ. Sau thông tin HoSE đưa HBC từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch từ ngày 23/5 (chỉ được giao dịch phiên chiều) do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định, lực cung tháo chạy đã ồ ạt được tung vào, nhấn chìm HBC. Dù lực cầu khá tốt, nhưng trước lực cung quá lớn, HBC đã bị đẩy thẳng xuống mức kịch sàn 8.560 đồng và còn dư bán sàn. Thanh khoản đạt 14,11 triệu đơn vị, trong đó riêng đợt ATC khớp 1,12 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán thậm chí chỉ còn duy nhất VDS giữ sắc xanh, nhưng đà tăng hạn chế rất nhiều so với phiên mức trần của phiên sáng khi chỉ tăng 4,2% lên 11.150 đồng. Nhóm này có nhiều mã giảm mạnh trên 3%, trong khi các mã lớn của nhóm giảm nhẹ hơn. Cụ thể, SSI giảm 2% xuống 22.450 đồng, khớp lớn nhất nhóm 22,65 triệu đơn vị; HCM giảm 1,8% xuống 25.200 đồng, VND giảm 2,2% xuống 15.250 đồng, VCI giảm nhẹ nhất 0,62% xuống 32.200 đồng.

Nhóm thép sau tuần tăng tốt đã chịu áp lực chốt lời mạnh trong tuần này, đặc biệt là sau khi giá thép quay đầu giảm trở lại. Trong phiên hôm nay, HPG giảm 0,9% xuống 21.800 đồng, HSG giảm 1,9% xuống 15.500 đồng, NKG giảm 2% xuống 14.500 đồng. Trong đó, HPG là mã có thanh khoản tốt nhất với 26 triệu đơn vị, chỉ đứng sau SHB trên cả sàn. Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh nhất cổ phiếu HPG với khối lượng 9,82 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 215,43 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,47 điểm (0,51%) xuống 1.060,44 điểm. HNX-Index giảm 1,76 điểm (0,82%) xuống 212,86 điểm. UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (0,11%) xuống 80,57 điểm.

Công ty con Vingroup sắp tăng vốn “khủng”

Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (mã chứng khoán: VEF) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông năm 2023. Doanh nghiệp này là công ty con của Vingroup. Cổ phiếu VEF vừa ghi chuỗi 3 phiên tăng giá liên tiếp.

Một trong những nội dung quan trọng trong kỳ họp lần này là thông qua tờ trình phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ nhằm mục đích tăng quy mô vốn hoạt động.

Tờ trình cho biết năm 2022, cổ đông đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng quy mô vốn điều lệ thực hiện các dự án gồm dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia và dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị mới (Vinhomes Cổ Loa) tại các xã Xuân Canh, xã Đông Hội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi một số yếu tố khách quan nên doanh nghiệp chưa thực hiện triển  khai phương án phát hành trong năm 2022.

Theo đó, công ty dự kiến phát hành 852,997 triệu cổ phiếu với tổng giá trị nếu phát hành thành công là 8.529,97 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành là 1:5,12. Có nghĩa là cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VEF tại ngày chốt danh sách sẽ được hưởng 1 quyền mua, và cứ 1 quyền mua sẽ được mua 5,12 cổ phiếu phát hành thêm.

Vốn điều lệ hiện ở mức 1.666,04 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ dự kiến sau khi tăng vốn là 10.196,01 tỷ đồng. Số tiền thu được sau khi phát hành dự kiến sẽ được bổ sung vốn kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu về nguồn vốn chủ sở hữu, đảm bảo năng lực tài chính triển khai các dự án. Cụ thể, công ty dự kiến phân bổ 1.467,2 tỷ đồng cho dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia, 6.975,8 tỷ đồng cho Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới tại huyện Đông Anh và 86,97 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.