Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán một năm bùng nổ: Nên mừng hay lo?

TS Phan Văn Thường (ĐH Quốc tế Hồng Bàng)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2021 được cho là một năm phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu. Ngoạn mục là đối với Việt Nam, tuy chưa nhận được hỗ trợ từ chính sách phục hồi nền kinh tế hậu dịch covid-19 từ Chính phủ như các nước nhưng TTCK chúng ta bùng nổ dữ dội hơn.

Những con số đầy ấn tượng

Tuy ảnh hưởng hết sức nặng nề của dịch covid-19 từ năm 2020, năm 2021 giá dầu tăng cao, nguy cơ lạm phát đang ngày càng hiện hữu, nhưng giá chứng khoán trên toàn cầu đã có một năm đầy sắc xanh. Phiên cuối năm 2021 so với phiên đầu năm Dow Jone tăng 20,43%, S&P tăng 29,43%, FTSE (Anh) tăng 23,96%, DAX (Đức) tăng15,72%, Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 5,63%, trong khi HIS (Hongkong) giảm 14,83%. Chỉ số cổ phiếu toàn cầu nói chung tăng mạnh do các nền kinh tế hồi phục sớm sau dịch Covid-19 nhờ vào các gói hỗ trở từ Chính phủ.

Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tại Việt Nam, phiên 31/12/2021 VN-Index đạt mức 1.498,28 điểm, tăng 35,7% so với phiên 31/12/2020; HNX-Index đạt mức 473,99 điểm, tăng 133,35%; UpCoM tăng 51,35%. So với tăng trưởng GDP năm 2021 ước tính 2,58% thì chỉ số TTCK đã có con số tăng quá ngoạn mục. Trong khi chỉ số chứng khoán Việt Nam chưa có được hỗ trợ từ các gói phục hồi kinh tế của Chính phủ. Sự lệch pha quá lớn giữa chỉ số nền kinh tế thực và chỉ số chứng khoán buộc mọi người cần suy nghĩ liệu giá chứng khoán đã quá nóng? Tuy nhiên, đến nay vốn hóa của TTCK đã đạt mức 123% GDP là con số vượt quá nhanh ngoài mong đợi của các nhà làm chính sách.

Đua nhau kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán

Năm 2021 có 1,53 triệu tài khoản chứng khoán mới được mở, gấp 4 lần số tài khoản được mở năm 2020. Đây là tín hiệu đầy lạc quan của mục tiêu phát triển TTCK. Tuy vậy, số lượng tài khoản “chơi” chứng khoán tăng quá nhanh phần nào sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát. Một cá nhân được mở một tài khoản tại một công ty chứng khoán và có thể có nhiều tài khoản khác nhau tại nhiều công ty chứng khoán theo quy định là có thể kiểm soát được. Nhưng một cá nhân cũng có thể quản lý nhiều tài khoản tại một công ty chứng khoán bằng cách lập nhóm đầu tư chứng khoán với hàng chục, thậm chí hàng trăm cá nhân là khó kiểm soát. Việc đứng tên hộ tài khoản chứng khoán, không bỏ tiền đầu tư vẫn được chia tiền lời là câu chuyện về cách thao túng mới trên TTCK Việt Nam đang bị bỏ ngỏ.

Cầu “chơi” chứng khoán đã quá lớn nhưng số lượng công ty niêm yết và quy mô vốn đăng ký niêm yết giao dịch tăng không tương xứng đã làm cho TTCK luôn trong tình trạng khát hàng. Hệ quả, tâm lý bầy đàn mua lấy được tự nó đẩy giá cổ phiếu liên tục tăng và lập đỉnh mới. Vì giá liên tục tăng nên chỉ cần tính toán tránh được các mã cổ phiếu đầu cơ nguy hiểm là đầu tư tất thắng nhiều hay ít mà thôi. Do giá hầu hết cổ phiếu đều tăng, tăng liên tục, số phiên tăng áp đảo số phiên giảm nên các nhà đầu tư cá nhân phần lớn hưởng lãi khá lớn trong năm 2021.

Không chỉ cá nhân mà đã xuất hiện không ít DN dồn tiền đầu tư chứng khoán kiếm lợi nhuận khá lớn bù trừ lỗ chéo sản xuất, kinh doanh đình đốn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Nhiều DN niêm yết đang có xu hướng thu hẹp đầu tư sản xuất và mở rộng đầu tư tài chính thông qua mua bán cổ phiếu quỹ kiếm lợi nhuận đậm hàng trăm tỷ đồng, thậm chí nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận nghìn tỷ đồng dự kiến sẽ bán 44,3 triệu cổ phiếu quỹ của Công ty Hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (mã cổ phiếu CII) là một dẫn chứng. Với mức giá mua gom bình quân là 23.170 đồng và nếu bán tại mức giá 57.900 đồng (giá tại phiên 7/1/2022) thì lô cổ phiếu quỹ này công ty kiếm được lợi nhuận là 1.539 tỷ đồng.

Kiểm soát dòng tiền chảy vào chứng khoán để ngăn chặn rủi ro

Giá trị giao dịch bình quân phiên năm 2021 đạt hơn 26.564 tỷ đồng, tăng 258% so với năm 2020, đặc biệt có phiên đạt mức 56.100 tỷ đồng (29/11) là con số quá kinh khủng về dòng tiền đổ dồn vào chứng khoán. Dòng tiền đâu ra trong khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng suốt năm với tổng giá trị bán ròng hơn 60.000 tỷ đồng? Thực sự cơ quan quản lý chưa có công cụ thống kê cần thiết về các dòng tiền đổ vào chứng khoán, tất cả nhận định mang tính dự đoán chủ quan.

Năm 2021 cũng là năm thành công của nhiều công ty chứng khoán trong việc tăng vốn chủ sở hữu để tăng hạn mức cấp margin cho nhà đầu tư. Với hạn mức 154.000 tỷ đồng cho vay ký quỹ từ các công ty chứng khoán hiện tại chưa phải là lớn nhưng việc bành trướng công ty chứng khoán hoạt động tín dụng đan xen với các ngân hàng là chưa phù hợp với luật các tổ chức tín dụng (TCTD). Luật Các TCTD không quy định công ty chứng khoán là TCTD phi ngân hàng được thực hiện một hoặc một số nghiệp vụ ngân hàng.

Việc các DN dồn nguồn tiền đầu tư chứng khoán suy cho cùng là nguồn vốn vay ngân hàng và nhiều cá nhân thế chấp tài sản vay ngân hàng mục đích khác nhưng đầu tư chứng khoán các ngân hàng không thể kiểm soát. Đó là rủi ro tiềm ẩn của TTCK nước ta hiện tại đòi hỏi cơ quan quản lý tìm ra cách giải quyết. Chính vì vậy, chủ trương siết chặt cho vay đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra ngay từ đầu năm như một thông điệp điều hành chính sách tín dụng năm 2022.

Cần một thị trường chứng khoán bền vững

Cho dù quy mô vốn hóa thị trường đã đạt 123% GDP, số lượng tài khoản chứng khoán đạt hơn 4% dân số nhưng TTCK nước ta đang tiềm ẩn rủi ro lớn. Các nhà đầu tư cá nhân thắng lớn trong năm 2021 không nên chủ quan, thậm chí tâm lý tự hào, kiêu ngạo. Hiện tại chỉ cần ít kinh nghiệm cũng có thể nhìn nhận, phát hiện TTCK trên cả 3 sàn đang có quá nhiều mã cổ phiếu đầu cơ lũng đoạn. Câu chuyện thao túng cổ phiếu đang là phổ biến, cơ quan quản lý dường như chưa đủ sức phát hiện, xử lý kịp thời.

Cổ phiếu FLC bị phát hiện bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu vào phiên 10/1/2022 là một điển hình. Không có chuyện mua dấu, bán chui, cấu kết làm giá, tự mua bán thì cổ phiếu FLC được ví như tài sản giấy không thể tăng từ 4.600 đồng phiên 4/1 lên mức giá 18.000 đồng phiên 31/12, tăng gần 4 lần sau một năm. Tiếp đến là vụ Công ty Sao Việt thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu giá đất Thủ Thiêm TP Hồ Chí Minh với giá 2,45 tỷ đồng/m2 cũng là dẫn chứng tạo chiêu mới đẩy giá cổ phiếu bất động sản. Sau vụ đấu giá đất với giá trên trời của Công ty Sao Việt vào ngày 12/12 gần một tháng qua giá cổ phiếu bất động sản ăn theo liên tục tăng cao.

Nếu như chỉ số chứng khoán của các TTCK phát triển dựa trụ cột chính vào các nhóm cổ phiếu sản xuất công nghiệp, công nghệ thì chỉ số chứng khoán Việt Nam lại dựa vào trụ cột các nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, dịch vụ tài chính. Đây là vấn đề thiếu sự bền vững do nguy cơ rủi ro cao. Vì rằng bản chất giá cổ phiếu là giá ảo nhưng rõ ràng khi giá ảo của cổ phiếu được hình thành từ giá ảo của tài sản đã làm cho nó càng ảo thêm. Điều nguy hiểm hơn, nói là 3 nhóm cổ phiếu nhưng rủi ro dây chuyền rất cao, chẳng hạn chỉ cần bất động sản đóng băng là ngân hàng đo sàn, dịch vụ tài chính hụt hơi, ngược lại ngân hàng khó khăn, bất động sản hay dịch vụ tài chính không thể phát triển.