Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ chạm mức cao nhất mọi thời đại sau quyết định nóng của Fed

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 cùng lập kỷ lục mới trong phiên ngày 19/9, một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 0,5% và phát tín hiệu  sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong tương lai.

Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới trong phiên ngày 19/9. Ảnh: CNBC
Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới trong phiên ngày 19/9. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones nhảy vọt  522,09 điểm (tương đương 1,26%) lên 42.025,19 điểm, ghi nhận lần đầu tiên đóng cửa trên mốc 42.000 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng  1,7% lên 5.713,64 điểm, vượt mức 5.700 điểm lần đầu tiên. Chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 2,51% lên 18.013,98 điểm.

Các nhà đầu tư Phố Wall đã có thêm niềm tin rằng Fed có thể đạt mục tiêu “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tuần kết thúc vào ngày 14/9 giảm 12.000 xuống còn 219.000 yêu cầu – mức thấp nhất kể từ ngày 18/5, thấp hơn nhiều so với dự báo.

Trước đó, khi Fed thông báo cắt giảm lãi suất ở mức 0,5% vào ngày 18/9, nhiều nhà đầu tư đã lo ngại rằng việc Fed mạnh tay nới lỏng chính sách có thể là cách để phản ứng với nguy cơ suy thoái.

Cổ phiếu công nghệ là nhóm hưởng lợi nhiều nhất trong phiên này, khi lãi suất giảm làm gia tăng mức độ ham thích rủi ro trên thị trường. Cổ phiếu hai hãng chip Nvidia và AMD lần lượt leo dốc 4% và 6%. Cổ phiếu Micron tăng 2,2%.

Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khác cũng giao dịch khởi sắc với Meta Platforms và Alphabet ghi nhận mức tăng tương ứng 3,9% và 1,5%, còn Tesla nhảy vọt hơn 7%.

Nhóm cổ phiếu doanh nghiệp có tính chu kỳ vốn hưởng lợi từ lãi suất thấp hơn cũng vọt tăng trong phiên 19/9. Cổ phiếu ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase tăng 1,4%. Hai cổ phiếu công nghiệp Caterpillar và Home Depot lần lượt cộng 5,1% và 1,7%.

Trong ngày 18/9, Fed đã hạ lãi suất về còn 4,75-5% từ mức 5,25-5,5% trước đó. Đây là đợt giảm lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2020, đánh dấu sự xoay trục khỏi chính sách tiền tệ thắt chặt được thực hiện từ tháng 3/2022.

Giới chức Fed cho biết họ có niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang được kiểm soát. Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định rằng, nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng vững vàng và Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ quyết định tốc độ cắt giảm lãi suất phù hợp trong tương lai.

Theo đánh giá của Giám đốc đầu tư Timothy Chubb tại Girard Advisory Services, không có gì ngạc nhiên khi thấy thị trường Phố Wall hồi phục khá tốt trong phiên hôm nay.

“Nhìn chung, chắc chắn có rất nhiều công ty thực sự hưởng lợi từ động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed, đặc biệt các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ” - ông Chubb nói thêm.

Chỉ số Russell 2000 gồm các cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã tăng 2,1% nhờ lãi suất thấp giảm sẽ thúc đẩy chi phí hoạt động giảm và gián tiếp giúp lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn.

Giám đốc điều hành Jeffrey Gundlach của Công ty DoubleLine Capital nhận định với đài CNBC: “Chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ có thể thúc đẩy mạnh hơn cho các cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Tôi tin rằng việc hạ lãi suất của Fed sẽ tạo ra động lực lớn hơn nhiều cho chỉ số Russell 2000 so với chỉ số S&P 500”.

Theo dữ liệu trong lịch sử, tháng 9 thường là giai đoạn khó khăn với chứng khoán. Tuy nhiên, những tháng 9 đi ngược với xu hướng trên thường tạo tiền đề cho một quý 4 mạnh mẽ. 

Các nhà giao dịch tại Oppenheimer cho biết, kể từ năm 1950, chỉ số S&P 500 đạt kỷ lục trong tháng 9 tới 22 lần. Trong 20/22 lần, S&P 500 sau đó đều ghi nhận một quý 4 bùng nổ.

“Mức lợi nhuận trung bình trong những quý 4 trên của S&P 500 là 5% (bao gồm cả cổ tức). Chỉ hai lần quý 4 ghi nhận kết quả tiêu cực vào năm 2018 (tăng lãi suất) và 1967”- các nhà  giao dịch tại Oppenheimer cho hay.