Chứng khoán Mỹ: Chờ tín hiệu mới từ FED, S&P 500 “lội ngược dòng” ấn tượng

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh ở cuối phiên ngày 5/7 khi nhà đầu tư kỳ vọng vào thông tin tích cực từ biên bản cuộc họp của FED trong tháng 6 sẽ được công bố trong tuần này.

Sàn Phố Wall giao dịch khởi sắc vào buổi chiều phiên giao dịch 5/7 sau khi quan ngại suy thoái kéo tụt các chỉ số chính ở phiên sáng. Tuy nhiên, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế đã giúp đẩy thị trường đi lên vào cuối phiên. 

Chốt phiên ngày 5/7, chỉ số S&P 500 tăng 0,16% sau khi giảm hơn 2% ở đầu phiên. Ảnh: CNBC
Chốt phiên ngày 5/7, chỉ số S&P 500 tăng 0,16% sau khi giảm hơn 2% ở đầu phiên. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 5/7, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,75% lên mức 11.322,24 điểm sau khi lao dốc lúc mở cửa. S&P 500 cũng cộng 0,16% đạt 3.831,39 điểm sau khi giảm hơn 2% trong phiên. Ngược lại, chỉ số Dow Jones rút ngắn đà giảm 129,44 điểm, khoảng 0,4%, về còn 30.967,82 điểm sau khi “bay” 700 điểm ở đầu phiên.

Quan ngại về tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đeo bám tâm trí nhà đầu tư cổ phiếu trong thời gian gần đây. Chứng khoán Mỹ giảm tuần thứ tư liên tiếp trong 5 tuần vừa qua và S&P 500 hiện đã sụt hơn 20% so với mức cao kỷ lục hồi tháng 1. Một số chuyên gia kinh tế dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ giảm trong 2 quý đầu năm, tức đã rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật.

Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm và 2 năm đảo chiều trong ngày thứ Ba, một dấu hiệu cảnh báo suy thoái đang tới gần. Khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn cao hơn lợi suất trái phiếu dài hạn, nhà đầu tư đang kỳ vọng sự giảm tốc của nền kinh tế sẽ buộc FED phải cắt giảm lãi suất.

Nhóm cổ phiếu gắn liền với tăng trưởng giảm mạnh trong phiên giao dịch 5/7. Các công ty sản xuất máy móc như Deere và Caterpillar lần lượt sụt 3,2% và 2,5%, xuống vùng giá thấp nhất năm nay. Cổ phiếu công ty khai khoáng Freeport-McMoRan hạ 6,6%. 

Chuyên gia Mohamed El-Erian - Cố vấn kinh tế trưởng của Allianz nhận định với đài CNBC: “Diễn biến trên thị trường Phố Wall hôm nay phản ánh quan ngại về đà giảm tốc của nền kinh tế”.

Tuy nhiên, khả năng FED hạ lãi suất giúp đẩy nhóm cổ phiếu công nghệ đi lên, hỗ trợ chỉ số Nasdaq tăng điểm. Docusign và Zoom Video tăng lần lượt 6,7% và 8,5%

Mặt khác, giá dầu lao dốc càng củng cố triển vọng ảm đạm của nền kinh tế. Giá dầu WTI lần đầu tiên giảm xuống dưới 100 USD/thùng kể từ cuối tháng 3 khiến giá cổ phiếu của Chevron sụt 2,6%. 

Đà hồi phục của nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng không thiết yếu, vốn giảm mạnh trong vài tuần gần đây, là lực đẩy thị trường trong phiên ngày 5/7. Giá cổ phiếu của Amazon và Nike tăng hơn 3%, Target tăng 2,3%. Giá dầu giảm là thông tin tích cực đối với nhóm cổ phiếu trên sau một thời gian người tiêu dùng thay đổi thói quen chi tiêu do lạm phát cao. 

Tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua nửa đầu năm tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ. Một số chuyên gia tin rằng sự giảm tốc của nền kinh tế đã phần nào được phản ánh vào giá chứng khoán.

Triển vọng thị trường trong 6 tháng cuối năm nay vẫn tương đối mờ mịt. Chiến lược gia Jonathan Golub của Credit Suisse dự báo Mỹ sẽ tránh được một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, chuyên gia Golub hạ mục tiêu S&P 500 trong năm 2022 từ 4.900 điểm xuống 4.300 điểm. Ngưỡng mục tiêu mới phản ảnh chứng khoán Mỹ sẽ hồi phục, nhưng chỉ lấy lại một nửa số điểm đã mất trong 6 tháng đầu năm. 

Trong tuần này, nhà đầu tư tập trung theo dõi báo cáo việc làm tháng 6, dự kiến công bố vào ngày 8/7 tới. Theo ước tính của Dow Jones, tăng trưởng việc làm sẽ chậm lại trong tháng vừa qua, với 250.000 việc làm phi nông nghiệp mới được bổ sung, giảm 140.000 đơn vị so với tháng 5. Các chuyên gia kinh tế dự báo tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở ngưỡng 3,6%. 

Báo cáo số lượng đơn hàng sản xuất tháng 5 công bố trong ngày 5/7 ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh hơn dự báo. Biên bản cuộc họp tháng 6 của FED được công bố trong ngày 6/7.

Giới đầu tư cũng đang chờ quyết định cuối cùng của Tổng thống Joe Biden về phương án dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Các quan chức Nhà Trắng hy vọng sự thay đổi trong chính sách thương mại với nền kinh tế số 2 thế giới sẽ giúp giảm bớt áp lực lạm phát. 

Quan ngại tăng trưởng kinh tế ảm đạm hiện đã lan ra nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ngân hàng trung ương Anh nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay “xấu đi rất nhiều”. Tại châu Âu, đồng euro giảm xuống ngưỡng thấp nhất 20 năm so với đồng USD.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần