70 năm giải phóng Thủ đô

Chứng khoán Mỹ: Lo ngại về suy thoái, Nasdaq Composite rớt  đáy trong 2 năm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc trong ngày 10/10 do nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu giữa những lo ngại về nguy cơ suy thoái.

Nasdaq Composite chạm mức thấp nhất trong 2 năm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/10. Ảnh: CNBC
Nasdaq Composite chạm mức thấp nhất trong 2 năm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/10. Ảnh: CNBC

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đồng loạt giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần, với chỉ số Nasdaq Composite chạm đáy trong 2 năm, khi nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thị trường giá xuống do lãi suất tăng cao.

Theo CNBC, chốt phiên ngày 10/10, chỉ số Nasdaq Composite rớt 1,04% xuống còn 10.542,10 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 7/2020, chịu sức ép từ đà sụt giảm của các cổ phiếu sản xuất chất bán dẫn như Nvidia và AMD.

Chỉ số S&P 500 cũng sụt 0,75% về mức 3.612, 39 điểm, chịu tác động từ đà lao dốc của nhóm cổ phiếu chất bán dẫn và các cổ phiếu công nghệ lớn như Microsoft. Trong khi, chỉ số Dow Jones mất 93,91 điểm (tương đương 0,32%) xuống còn 29.202,88 điểm.

Chỉ số Nasdaq Composite đã lao dốc hơn 32% từ đầu năm đến nay sau phiên ngày thứ Hai, còn chỉ số S&P 500 giảm hơn 24% trong năm 2022.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh ở cuối phiên sau khi tỷ phú Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase, cảnh báo nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái trong vòng 6-9 tháng tới, tức là vào năm 2023. Theo ông Dimon, đợt suy thoái này có thể sẽ nghiêm trọng hơn so với dự báo của một số nhà kinh tế.

CEO của JPMorgan Chase nêu các rủi ro với thị trường Phố Wall trong thời gian tới gồm: lạm phát phi mã, lãi suất tăng mạnh hơn dự kiến, tác động khó đoán của chính sách thắt chặt định lượng và cuộc xung đột Nga–Ukraine.

Trong phiên giao dịch này, cổ phiếu của các hãng sản xuất chip cũng giảm mạnh sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden áp đặt quy định xuất khẩu mới nhằm hạn chế việc doanh nghiệp Mỹ bán các loại chip tiên tiến dùng trong siêu máy tính và những thiết bị sản xuất liên quan cho Trung Quốc.

Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bán tháo phiên đầu tuần do lãi suất tăng khiến cổ phiếu bị định giá tương đối cao và làm tăng chi phí vốn.

Thị trường giao dịch trái phiếu Chính phủ Mỹ đóng cửa trong ngày 10/10 nhân dịp Ngày Columbus (ngày lễ liên bang Hoa Kỳ). Thanh khoản giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ cũng xuống thấp hơn bình thường.

Ông Art Hogan - Giám đốc chiến lược thị trường tại B. Riley Financial, cho biết: “Giới đầu tư thường tìm kiếm thông tin từ biến động của lợi suất trái phiếu Kho bạc. Khi thị trường trái phiếu đóng cửa, nhà đầu tư không biết dựa vào yếu tố nào, do đó thanh khoản cổ phiếu thấp là điều dễ hiểu”.

Giới đầu tư trên sàn Phố Wall cũng thận trọng trước khi các báo cáo lạm phát và kết quả kinh doanh quan trọng được công bố trong tuần này, vốn sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn về tình hình nền kinh tế Mỹ. Bốn ngân hàng thuộc nhóm lớn nhất thế giới là JPMorgan, Wells Fargo, Morgan Stanley và Citigroup sẽ công bố kết quả kinh doanh quý III vào ngày thứ Sáu (14/10). PepsiCo, Delta và Domino’s cũng công bố báo cáo kết quả kinh doanh vào tuần tới.

Ngoài ra, dữ liệu chỉ số giá sản xuất PPI tháng 9 của Mỹ sẽ công bố vào ngày thứ Tư (12/10) và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI dự kiến công bố vào ngày thứ Năm (13/10).

Chuyên gia Mohamed El-Erian - Nhà kinh tế trưởng của Allianz nhận định với đài CNBC rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó có khả năng sớm giảm tốc độ tăng lãi suất nếu lạm phát chưa hạ nhiệt. “Liệu Fed có thể sớm đảo chiều chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ? Theo quan điểm của tôi, điều này sẽ khó xảy ra vì các dữ liệu kinh tế Mỹ không thể “bật đèn xanh” cho lãnh đạo Fed dừng nâng lãi suất trong các cuộc họp sắp tới”.

Ông El-Erian lưu ý thêm rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức của Fed có nguy cơ đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái.