Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ “ngấm đòn” lãi suất, Dow Jones mất đứt 700 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm mạnh do nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trước lo ngại lạm phát dai dẳng sẽ khiến Fed duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Chứng khoán Mỹ mất 700 điểm trong phiên ngày 21/2/2023. Ảnh CNBC
Chứng khoán Mỹ mất 700 điểm trong phiên ngày 21/2/2023. Ảnh CNBC

Phố Wall lao dốc trong phiên giao dịch ngày 21/2 khi nỗi lo lãi suất tăng cao hơn tiếp tục đè nặng lên tâm trí nhà đầu tư và loạt báo cáo tài chính mới nhất của ngành bán lẻ gia tăng mối lo ngại về triển vọng phục hồi của lĩnh vực tiêu dùng.

Theo CNBC, chốt phiên ngày thứ Ba, chỉ số Dow Jones “bay” tới 697,10 điểm (tương đương 2,06%) xuống còn 33.129,59 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones kể từ hôm 15/12 – phiên mà chỉ số mất 2,3%.

Chỉ số S&P 500 sụt 2% còn 3.997,34 điểm, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 15/12/2022. Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 đều chốt phiên trong sắc đỏ, dẫn đầu là nhóm tiêu dùng không thiết yếu với mức giảm 3,3%. Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 2,5%, về mức 11.492,3 điểm.

Trước quan ngại về lãi suất, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 3,9%, trong khi lợi suất kỳ hạn 2 năm vọt lên mức 4,7%. Cả hai loại này hiện đều ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 sau khi các nhà đầu tư đón nhận số liệu lạm phát tháng 1 cao hơn dự báo.

Giới đầu tư trên sàn Phố Wall  lo ngại lạm phát cao dai dẳng sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải nâng lãi suất lên cao hơn và giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn, qua đó đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Chiến lược gia trưởng Art Hogan của B. Riley Wealth nhận định với đài CNBC: “Tôi cho rằng thị trường chứng khoán cuối cùng đã hiểu những gì mà thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ nói trong 2 tuần qua. Chúng ta đã có một loạt dữ liệu kinh tế tốt. Với mỗi số liệu tốt, chúng ta lại chứng kiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ nhích lên một chút."

Thay vì có một nhân tố lớn duy nhất kéo tụt thị trường, hiệu ứng cộng dồn của các dữ liệu kinh tế và thông điệp của Fed đã khiến nhà đầu tư phải chú ý. Trong phiên giao dịch hôm nay, không có nhân tố lớn nào khiến cho thị trường tụt dốc, thay vào đó là tác động tích lũy của hàng loạt số liệu và các phát biểu của quan chức FED đã khiến nhà đầu tư phải chú ý.

Home Depot là cổ phiếu giảm mạnh nhất chỉ số Dow Jones với 7% sau khi công ty bán lẻ đồ trang trí nhà cửa công bố doanh thu quý IV/2022 thấp hơn dự báo. Nhà đầu tư cũng thất vọng khi Home Depot đưa ra triển vọng doanh thu kém khả quan trong năm nay.

Mối lo về triển vọng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là nền kinh tế Mỹ, khi Fed nhiều khả năng phải duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian lâu hơn vẫn đè nặng tâm trí nhà đầu tư.

Trong ngày 22/2, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ diễn ra vào ngày 31/1-1/2. Các nhà hoạch định chính sách đã nâng lãi suất thêm 0,25  trong cuộc họp này. Giới đầu tư sẽ phân tích kỹ biên bản cuộc họp để dự đoán chính sách lãi suất tương lai của Fed.

Các chuyên gia Jeffrey Buchbinder và Quincy Krosby của LPL Financial nhận định rằng chỉ số giá tiêu dùng chỉ giảm nhẹ và nhu cầu tiêu dùng phục hồi mạnh có thể khiến Fed phải kéo dài chính sách lãi suất ở mức cao vào mùa hè.

“Chúng tôi tin rằng Fed nhiều khả năng sẽ có đợt tăng lãi suất lần thứ ba trong cuộc họp chính sách vào tháng 6 tới. Ngoài ra, thị trường đang dự đoán ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất với bước nhảy mạnh hơn ở mức 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 3, vì hai thành viên không có quyền biểu quyết của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), bà Loretta Mester và ông James Bullard, đều ủng hộ mức tăng lãi suất này để đưa lạm phát về mục tiêu dài hạn” - hai chuyên gia của LPL Financial nói thêm.