Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào cuối ngày

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lực cầu giải ngân vào các sàn cổ phiếu ở mức cao và được duy trì cho đến hết ngày giao dịch, giúp các chỉ số đóng cửa với đà tăng tốt nhất trong ngày.

KTĐT - Lực cầu giải ngân vào các sàn cổ phiếu ở mức cao và được duy trì cho đến hết ngày giao dịch, giúp các chỉ số đóng cửa với đà tăng tốt nhất trong ngày.

Ngày 28/1, chứng khoán Mỹ tăng điểm vào cuối ngày nhờ báo cáo lạc quan của Cục dự trữ Liên bang (FED). Trong khi đó, chứng khoán châu Âu, Á vẫn chưa tìm được sắc xanh.

Sau phần lớn thời gian chao đảo trong phiên buổi sáng, chứng khoán Mỹ đã nhanh chóng lấy lại đà khởi sắc ngay sau khi cuộc họp 2 ngày của Cục dự trữ Liên bang (FED) kết thúc. Bước tăng của các chỉ số không quá ấn tượng nhưng bền vững và đà đi lên được nới rộng theo thời gian trước khi đóng cửa thị trường.

Lực cầu giải ngân vào các sàn cổ phiếu ở mức cao và được duy trì cho đến hết ngày giao dịch, giúp các chỉ số đóng cửa với đà tăng tốt nhất trong ngày. Chỉ số Dow Jones Industrial cộng thêm 41,87 điểm, tương ứng 0,4%, leo lên ngưỡng 10.236,16 điểm. Cổ phiếu nhà chế tạo máy bay Boeing đóng vai trò đầu tàu (+7,3%) dẫn dắt đà đi lên của nhóm 30 công ty công nghiệp hàng đầu của Mỹ, sau khi hãng nâng triển vọng lợi nhuận trong quý IV/2009.

Hàn thử biểu Standard & Poor 500 tăng 0,5%, đóng cửa tại 1.097,5 điểm. Phong vũ biểu tổng hợp 80 công ty tài chính, ngân hàng, hãng bảo hiểm lớn nhất trên phố Wall S&P Financial Index bùng nổ 2,3% - biên độ tăng mạnh nhất trong số 10 nhóm ngành công nghiệp thuộc S&P. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite khởi sắc 0,8%, chốt ở 2.221,41 điểm.

Ở bờ kia Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu đổ nhào trước áp lực bán tháo cổ phiếu ngân hàng. Những lo ngại về nguy cơ vỡ nợ tín dụng của Hy Lạp lại được nhắc đến nhiều hơn sau khi Ủy ban châu Âu (EU) cho rằng, Chính phủ Hy Lạp đã không có những hành động đủ mạnh nhằm lấp đầy mức thấp hụt ngân sách hiện ở mức cao kỷ lục tại châu Âu. Chỉ số tổng hợp 18 hàn thử biểu khu vực Eurozone DJ Stoxx 600 bốc hơi 0,8%, xuống 247,31 điểm. Sắc đỏ trải trên 15 bảng điện tử của các thị trường, trong biên độ trượt trên 1% đã xuất hiện ở nhiều chỉ số. Chứng khoán Pháp và Anh lần lượt mất 1,2% và 1,1%. Phong vũ biểu DAX 30 của Đức hạ 0,5%.

Chuỗi ngày điều chỉnh của chứng khoán châu Á tiếp tục kéo dài, lâu nhất kể từ tháng 5/2005. Những quan ngại về việc chính phủ các quốc gia sẽ sớm rút bớt chương trình hỗ trợ tín dụng sau khi các nền kinh tế phục hồi nhằm tránh nguy cơ lạm phát và bong bóng tài sản, tiếp tục phủ bóng đen lên các sàn cổ phiếu. Chỉ số tổng hợp 23 hàn thử biểu khu vực MSCI mất 1,1%, xuống 118,1 điểm.

Chứng khoán Australia mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ, đón nhận phiên điều chỉnh mạnh 1,7% trong ngày. Cơ quan thống kê Trung ương nước này công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý IV/2009 tăng mạnh 0,5%, vượt xa những trù liệu trước đó của giới phân tích. Làn sóng bán tháo cổ phiếu ngành ngân hàng dâng cao, trong đó 2 gã khổng lồ là Westpac Banking và ANZ Banking Group chịu mức sụt giảm mạnh nhất với biên độ lần lượt là 2,4% và 1,5%. Tại trung tâm tài chính Sydney, những phỏng đoán về khả năng ngân hàng Trung ương (RBA) sẽ quyết định nâng thêm 0,25% lãi suất qua đêm sau khi cuộc họp ngày 2/2 tới diễn ra, đang là chủ nóng được nhà đầu tư bàn tán xôn xao.

Cũng không nằm ngoài xu thế chung, chứng khoán khu vực Tây Á cũng đồng loạt điều chỉnh mạnh. Phong vũ biểu BSE Index của Ấn Độ dẫn đầu đà giảm điểm, đóng cửa âm 2,9% với sắc đỏ bao trùm trên tất cả các chỉ báo nhóm ngành công nghiệp. Ở khu vực Đông Á, thị trường Singapore chốt phiên giảm 1,2%. Tại Thượng Hải, chỉ số tổng hợp Shanghai Composite xuyên thủng ngưỡng hộ trợ 3.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm ngoái, sau khi để tuột 1,1% giá trị ở phiên này. Sắc đỏ trải khắp trên các bảng điện tử từ Nhật Bản, sang Hàn Quốc, Đài Loan và Hong Kong, với biên độ xuống trong khoảng từ 0,7% đến 0,4%.