Chứng khoán Mỹ xuống thấp nhất trong 3 tháng gần đây

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ nói riêng và chứng khoán toàn cầu nói chung giảm điểm đẩy nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn tăng.

Theo những báo cáo được công bố trong ngày, hoạt động sản xuất tại Mỹ trong tháng đầu năm đã tăng trưởng chậm lại, với số đơn đặt hàng mới giảm mạnh, trong khi mức chi cho các dự án xây dựng chỉ tăng vừa phải trong tháng 12/2013. Đây là lý do chính để các nhà đầu tư bán tống, bán tháo các tài sản rủi ro trong tay, như chứng khoán.

Tâm lý sợ hãi phủ khắp các sàn giao dịch. Chỉ số VIX đo lường trạng thái hoảng sợ của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ nhảy vọt tới 16,5% lên 21,44 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2012 tới nay. Khối lượng giao dịch toàn thị trường lên tới 9,46 tỷ cổ phiếu, cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 6,94 tỷ cổ phiếu trong tháng đầu năm.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/2, chỉ số chứng khoán Mỹ S&P 500 giảm 2,3% xuống thấp nhất kể từ 17/10. Dow Jones giảm 2,1% và giảm tổng cộng 7,3% từ đầu năm đến nay xuống thấp nhất 3 tháng.

Thị trường giao dịch sôi động, có tới 9,5 tỷ cổ phiếu trao đổi trên các sàn chứng khoán Mỹ, ghi nhận ngày bận rộn nhất của phố Wall tính từ ngày 20/12.

Với mức giảm mạnh trên, chỉ số Dow Jones hiện đang dưới đường trung bình động 200 ngày lần đầu tiên kể từ phiên giao dịch 28/12/2012 cho tới nay. Theo giới phân tích, điều này cho thấy chỉ số Dow Jones rất có khả năng sẽ còn giảm sâu hơn trong những ngày giao dịch tới đây. Chỉ số Dow Jones vận tải giảm mạnh tới 3,2% trong ngày giao dịch 3/2.

Về S&P 500, lĩnh vực viễn thông và hàng tiêu dùng không thiết yếu giảm sâu nhất, lần lượt là 3,7% và 2,7%. Trong đó, đáng chú ý có cổ phiếu AT&T giảm 4,1% xuống 31,95 USD; Verizon hạ 3,4% xuống 46,41 USD. Theo Thomson Reuters, trong số 250 doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2013, 69,7% đạt mức lợi nhuận vượt dự báo.

Nhìn chung, trên sàn giao dịch New York, số cổ phiếu giảm điểm cao vượt trội so với số tăng điểm với tỷ lệ chênh lệch lên tới 2.610/ 463. Tại sàn Nasdaq, tình trạng cũng tương tự với 2.286 mã giảm điểm, 368 mã tăng.

Chứng khoán toàn cầu cũng giảm điểm. Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI giảm 1,6%. Thêm vào đó, chỉ số theo dõi đồng tiền của 20 thị trường mới nổi của Bloomberg giảm tới 3% trong tháng 1, tháng đầu năm sụt giảm mạnh nhất kể từ 2009.