Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương ngoại giao "ấm êm" của Mỹ-Trung đóng lại vì thiếu "bộ đôi" ăn ý

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "“Nếu Kerry và Xie không nắm quyền, với tất cả những rắc rối địa chính trị gần đây, thì chúng ta khó có thể đạt được đến vị trí hiện tại”.

Đặc phái viên về khí hậu của Trung Quốc Xie Zhenhua đứng cười rạng rỡ bên cạnh người đồng cấp Mỹ John Kerry khi hội nghị thượng đỉnh COP28 của Liên hợp quốc khép lại. Ông cho biết ông đã đưa cháu trai 8 tuổi của mình từ Bắc Kinh đến Dubai để chúc mừng sinh nhật lần thứ 80 của người bạn phía Mỹ khi hai nhân vật đánh dấu sự kết thúc của một chương trong ngoại giao.

John Kerry và Xie Zhenhua tại hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc COP28. Ảnh: Reuters
John Kerry và Xie Zhenhua tại hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc COP28. Ảnh: Reuters

Xie, 74 tuổi, đã nghỉ hưu vào cuối năm ngoái khi bình phục sau một cơn đột quỵ, trong khi Kerry cuối tuần trước cho biết ông sẽ từ chức đặc phái viên về khí hậu Mỹ để hỗ trợ ông Joe Biden trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, mặc dù ông ấy sẽ tiếp tục “lên tiếng” về biến đổi khí hậu.

Sự "ra đi" của cả Xie và Kerry đánh dấu sự khởi đầu một giai đoạn mới trong đàm phán về khí hậu Mỹ-Trung, và kết thúc ba năm đầy biến động. Mặc dù có mối quan hệ nồng ấm, nhưng việc gặp gỡ giữa hai nhà ngoại giao bị gián đoạn do những dấu mốc không hề dễ chịu trong quan hệ của hai cường quốc.  

Các nhà phân tích chính trị đã ghi nhận tình hữu nghị này với những tiến bộ mà Bắc Kinh và Washington đạt được trong các chính sách biến đổi khí hậu tương ứng của hai bên, ngay cả khi căng thẳng gia tăng liên quan đến hoạt động quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan và việc phát hiện ra khinh khí cầu của Trung Quốc trong không phận Mỹ.

Jake Schmidt, giám đốc cấp cao về khí hậu quốc tế tại tổ chức tư vấn NRDC, cho biết: “Nếu Kerry và Xie không nắm quyền, với tất cả những rắc rối địa chính trị gần đây, thì chúng ta khó có thể đạt được đến vị trí hiện tại”.

Những ngày trước thềm hội nghị thượng đỉnh COP28, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận có biệt danh là Tuyên bố Sunnylands về địa điểm diễn ra cuộc họp ở California, cam kết “đẩy nhanh việc thay thế” nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng xanh.

Lời cam kết tăng gấp ba mức năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030 và tính toán biến đổi khí hậu bao gồm thêm nhiều loại khí gây hiệu ứng nhà kính hơn như metan được các chuyên gia khí hậu coi là một dấu hiệu tốt.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng còn nhiều việc phải làm nếu hai quốc gia buộc thế giới phải thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận Paris về hạn chế sự nóng lên ở mức dưới 2°C và lý tưởng là 1,5°C.

Ilaria Mazzocco, chuyên gia về khí hậu Mỹ-Trung tại cơ quan nghiên cứu CSIS ở Washington, cho biết: “Nếu bạn đọc Sunnylands, bạn sẽ thấy thật tuyệt khi xét đến điểm khởi đầu hoặc đường cơ sở". “Nhưng đó mới là về sự phối hợp chứ chưa đến được hợp tác thực sự.”

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc thường xuyên cản trở tiến trình khí hậu trong thời gian gần đây của Kerry, bất chấp việc ông nhấn mạnh rằng sự tham gia của Mỹ-Trung về vấn đề biến đổi khí hậu cần được tách biệt khỏi mối quan hệ địa chính trị rộng lớn hơn.

Các nhà ngoại giao đã rất khó để tái hợp trong khoảng một năm khi Bắc Kinh cắt đứt các cuộc đàm phán về khí hậu để trả đũa chuyến đi của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8/2022. Ông Kerry là quan chức Mỹ thứ ba đến thăm Trung Quốc vào mùa Hè năm ngoái trong nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán các cuộc đàm phán khi Washington tìm cách ổn định mối quan hệ đang xấu đi trên phạm vi rộng hơn.

Tại mỗi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc trong ba năm qua, bao gồm cả ở Ai Cập, họ đã dành nhiều giờ đàm phán. COP vừa qua cuối cùng đã mang lại sự đồng thuận của gần 200 quốc gia về việc “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch”.

Ông Kerry nói với Financial Times tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos tuần này rằng ông và Xie đang “làm tất cả những gì có thể để giữ liên lạc rất chặt chẽ; ông ấy và tôi sẽ tiếp tục làm việc trong các tổ chức tương ứng [để thúc đẩy sự hợp tác xanh]”.

Trung Quốc đã chỉ định nhà ngoại giao chuyên nghiệp Liu Zhenmin, người đã tham dự 10 hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc kể từ năm 1996, làm người kế nhiệm ông Xie. Nhà Trắng vẫn chưa công bố người thay thế ông Kerry. Truyền thông Mỹ đã coi cố vấn năng lượng sạch của Biden, John Podesta, là lựa chọn thay thế tiềm năng.

Nhóm công tác do hai nước thành lập vào năm 2021 để thảo luận về các vấn đề khí hậu, bao gồm phát thải khí metan, chống phá rừng và chuyển đổi năng lượng rộng hơn, sẽ tiếp tục mà không có "cặp đôi" này.

Chuyên gia Joseph Webster, thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết Bắc Kinh có động cơ kinh tế để ủng hộ năng lượng sạch, trích dẫn phân tích từ Wood Mackenzie, công ty tư vấn năng lượng, định giá xuất khẩu năng lượng mặt trời của Trung Quốc ở mức 52 tỷ USD vào năm 2022.

Cụ thể, Webster cho biết: “Trung Quốc đang xem xuất khẩu năng lượng sạch như một đòn bẩy kinh tế trong tương lai và họ ngày càng quyết đoán về điều đó”. “Đàm phán về khí hậu Mỹ-Trung là một công cụ chính trị hữu ích ở Bắc Kinh - họ muốn xoa dịu căng thẳng với phương Tây để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.”