Giảm ô nhiễm, tăng lợi ích
Chỉ nuôi 8 - 10 con lợn/lứa nhưng lượng chất thải từ chuồng lợn nhà anh Chu Đình Tuấn, thôn Nhồi Trên, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh khá lớn. Nước thải chảy ra cống rãnh gây ô nhiễm môi trường. Trước tình trạng đó, năm 2006, anh Tuấn đã đăng ký tham gia chương trình KSH do Cục Chăn nuôi và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) triển khai tại địa phương. Với 1 triệu đồng hỗ trợ từ dự án, anh đầu tư thêm gần 4 triệu đồng nữa để xây hầm biogas thể tích gần 20m³. Sau hơn một tháng, hầm đã sử dụng được. "Hầm biogas đảm bảo đủ phục vụ nấu nướng cho gia đình mà lại không gây mùi hôi thối như trước. Hơn nữa, chỉ sau 3 - 4 năm có thể hoàn lại chi phí xây dựng nhờ tiết kiệm điện, củi, gas cho đun nấu" - anh Tuấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa cho biết, toàn xã hiện có trên 3.000 con lợn, trong đó có hơn 100 hộ nuôi từ 8 - 10 con lợn trở lên. "Do được dự án hỗ trợ 1 - 1,2 triệu đồng/hộ và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi 4 triệu đồng/hộ nên nhiều hộ dân đã tham gia chương trình KSH. Tính đến nay, toàn xã có 135 hầm biogas đang cho sử dụng. Nhờ có chương trình này, đường làng ngõ xóm trở nên sạch sẽ hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường" - ông Sơn nói.
Tại nhiều địa phương khác trên địa bàn thành phố như Sóc Sơn, Ba Vì, Thanh Oai, Đan Phượng…, chương trình KSH cũng mang lại hiệu quả tích cực. Ông Nguyễn Quang Huy, Tổ trưởng tổ sản xuất chè an toàn xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết, toàn xã có hàng trăm hầm biogas được xây dựng. Không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chất thải từ hầm biogas qua xử lý còn được sử dụng để bón rau, chè. Nhờ đã được khử chất độc nên làm đất tơi xốp, đảm bảo an toàn cho rau, chè. Ước tính sử dụng phân bón này thay thế phân hóa học tiết kiệm được 100.000 - 200.000 đồng/sào. Ngoài ra, một số hộ còn dùng để thắp sáng, chạy máy phát điện…
Hướng tới chăn nuôi bền vững
Theo Văn phòng dự án KSH Hà Nội, hiện toàn thành phố có khoảng 40.000 công trình KSH, trong đó trên 11.000 công trình được hỗ trợ từ dự án. Riêng trong năm 2010 toàn thành phố xây dựng được trên 3.400 hầm biogas. Việc triển khai chương trình này đã tác động tích cực tới nhận thức của người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ trong khu dân cư. Ông Chu Đình Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Loa phấn khởi: "Nhiều hộ dân thấy được lợi ích của việc xây dựng hầm biogas đã mạnh dạn đầu tư. Đây là hướng đi tốt nhằm kiểm soát chất thải chăn nuôi và dịch bệnh, hướng đến chăn nuôi bền vững".
Tính toán của Cục Chăn nuôi cho thấy, các công trình KSH đã góp phần giảm được 2 triệu tấn CO2/năm từ việc đun nấu than, củi. Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Giám đốc Dự án chương trình KSH quốc gia cho biết, với khối lượng chất thải trong chăn nuôi khoảng hơn 73 triệu tấn/năm như hiện nay, trong đó chất thải của trâu chiếm 21,9%, bò 32,5%, lợn 33,4%, việc xây dựng hầm biogas có ý nghĩa tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thông qua việc sử dụng công nghệ KSH xử lý chất thải chăn nuôi, cung cấp năng lượng sạch và rẻ tiền cho bà con nông dân, giảm thiểu sử dụng nguyên liệu hóa thạch và hiện tượng phá rừng. Tính đến nay, dự án được triển khai tại 44 tỉnh, thành phố với tổng số trên 100.000 công trình.