Mới đây, khi về thôn Bến, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn chúng tôi ngạc nhiên khi thấy tiếng kèn, tiếng trống trong đám tang khá nhỏ, chứ không oang oang từ đầu thôn đến cuối thôn như nhiều nơi. Người đến viếng, chia buồn cùng gia quyến xong thì ra về, thay vì ở lại ăn uống như một vài năm trước. Ông Trần Văn Chắt - Trưởng thôn Bến cho hay, khoảng 2 năm trở lại đây, việc tang trong thôn nói riêng và xã nói chung đã có nhiều thay đổi. Gần như 100% các đám tang không mời thuốc lá, không cử nhạc tang sau 22 giờ đêm và trước 5 giờ sáng. Các gia đình cũng không để thi hài người đã khuất trong nhà quá 36 tiếng. Một số hủ tục lạc hậu như lăn đường, khóc mướn, bắc cầu đưa linh cữu qua đầu con cháu, rắc tiền - vàng mã dọc đường khi đưa tang... đã được hạn chế. Được biết, không chỉ ở xã Đông Xuân, hiện, tại 147 thôn, làng, tổ dân phố thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sóc Sơn, những phong tục rườm rà và lạc hậu trong việc tang đang dần được xóa bỏ. Cùng với việc thực hiện “tang văn minh”, công tác quy hoạch nghĩa trang và hỏa táng người quá cố cũng được chính quyền quan tâm và đông đảo người dân địa phương ủng hộ. Số người quá cố được hỏa táng tăng qua các năm. Nếu như năm 2013 - năm đầu triển khai thực hiện “tang văn minh” trên địa bàn huyện, tỷ lệ hỏa táng người quá cố đạt khoảng 16%, thì đến tháng 9/2014, tỷ lệ này đã đạt xấp xỉ 25%... Công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và người dân thực hiện các nội dung của Đề án “tang văn minh” được Sóc Sơn đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đặc biệt là có sự tham gia nhiệt tình của của các tổ chức, đoàn thể như MTTQ, Ban Trị sự Phật giáo, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ... từ huyện đến cơ sở. Hiện, 23/26 xã, thị trấn của huyện cũng đã thành lập tổ cán bộ phụ trách việc tang để kịp thời giúp đỡ các gia đình tổ chức hỏa táng người quá cố. Theo ông Phan Văn Vượng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sóc Sơn, những chuyển biến tích cực trong thực hiện “tang văn minh” có được là nhờ một phần không nhỏ từ cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí hỏa táng của TP, huyện, xã, thị trấn. Cụ thể, từ năm 2012 - 9/2014, toàn huyện có gần 500 ca hỏa táng người quá cố được hỗ trợ kinh phí với tổng số tiền trên 4,2 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của TP, huyện có 16/26 xã, thị trấn vẫn duy trì việc hỗ trợ kinh phí hỏa táng từ 1 triệu đồng/ca trở lên cho các gia đình có người quá cố. Một số xã như Phú Cường, Tiên Dược, Đức Hòa, Minh Trí, Nam Sơn, Hiền Ninh hỗ trợ từ 2 - 3 triệu đồng/ca hỏa táng. Ông Vượng cho biết thêm, tới đây, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc “tang văn minh”, gắn với các phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa" và "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", hướng tới xóa bỏ hoàn toàn các hủ tục lạc hậu trong việc tang. Thành công bước đầu của huyện Sóc Sơn cho thấy, bên cạnh vai trò của hệ thống chính quyền cơ sở, sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên của TP trong các đề án thay đổi việc cưới, việc tang theo hướng ngày một văn minh, tiến bộ là vô cùng cần thiết. Đây là động lực góp phần thay đổi nhận thức và khuyến khích người dân chung tay từng bước xây dựng đời sống văn hóa mới.