Chuyển đổi số cần sự chung tay của toàn xã hội

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhiều chuyên gia, Luật Thủ đô (sửa đổi) nhấn mạnh đến vấn đề chuyển đổi số là lĩnh vực cần trú trọng đẩy mạnh, trong mọi mặt kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để Hà Nội có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thì cần có sự chung tay của toàn xã hội.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Tại hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII đã đồng ý thông qua và giao UBND thành phố Hà Nội hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, thành phố Hà Nội đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, thành phố sẽ thực hiện chuyển đổi số, phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới…

Chuyển đổi số đang được diễn ra trong mọi mặt kinh tế - xã hội của Hà Nội
Chuyển đổi số đang được diễn ra trong mọi mặt kinh tế - xã hội của Hà Nội
Luật Thủ đô (sửa đổi) (dự kiến ban hành năm 2024) cũng đã đưa ra nhiều nội dung cụ thể nhằm phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Điều 25 nhấn mạnh: Tập trung phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ; thực hiện chuyển đổi số trên mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội.

Để quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng cần thiết phải xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo cả về quy mô và chất lượng. Chính vie thế, điều 26 Luật Thủ đô (sửa đổi) có nói về phát triển các khu công nghệ cao.

Cụ thể: Xây dựng và phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô bao gồm khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt tại khoản 2 điều này nhấn mạnh: Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của Thủ đô và cả nước.

Hà Nội với vai trò là Thủ đô của cả nước, với sự tập trung của nhiều trường đại học lớn, viện nghiên cứu trên địa bàn Thủ đô với "hạt nhân" là Khu công nghệ cao Hoà Lạc, tập trung nguồn nhân lực có chất lượng cao của cả nước về công nghệ - kỹ thuật. Có thể nói Hà Nội là nơi tập trung tầng lớp "tinh hoa" trong lĩnh vực khoa học - công nghệ - thông tin, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để Hà Nội thực hiện chuyển đổi số.

Hà Nội đã sẵn sàng với hạ tầng viễn thông, mạng lưới internet và mạng di động phủ rộng trên toàn địa bàn tất cả các quận huyện, giúp cho các doanh nghiệp và người dân có thể dễ dàng truy cập vào các dịch vụ và ứng dụng kỹ thuật số.

Tuy nhiên, bên cạnh các thuận lợi nêu trên, Hà Nội cũng gặp một số khó khăn trong triển khai Chuyển đổi số đó là: Vốn đầu tư vào các hệ thống nền tảng của công nghệ số còn hạn chế; Hệ thống chính sách, hướng dẫn của bộ chủ quản về chuyển đổi số còn chưa đầy đủ, hoặc chưa phù hợp với một đô thị lớn như Hà Nội; Dân số lớn và địa bàn Hà Nội rộng là một thách thức cho việc triển khai các hệ thống nền tảng làm độ khó, độ phức tạp hệ thống cao hơn nhiều so với các địa phương khác. Các dự án triển khai chuyển đổi số tại Hà Nội là các dự án lớn cần có phương pháp quản lý dự án khoa học mới đảm bảo thành công.

Thành ủy Hà Nội xác định, chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, người đứng đầu các cấp ủy đảng trực tiếp chủ trì, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; Đổi mới mạnh mẽ tư duy và nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các hiệp hội ngành nghề trong công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi số.

Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực để chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh; Tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát và vận hành thành phố thông minh.

Người đứng đầu có vai trò quan trọng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Chuyển đổi số thì phải chuyển đổi cách làm, thay đổi cách vận hành tổ chức là chính nên người đứng đầu đóng vai trò quyết định.

Người đứng đầu mà không muốn thay đổi cách làm thì sẽ không có chuyển đổi số. Người đứng đầu muốn thay đổi cách làm mà ủy quyền cho cấp phó làm chuyển đổi số thì cũng không có chuyển đổi số”.

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - Ông Phạm Tuấn Long chia sẻ: để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính (CCHC) trong đó có chuyển đổi số, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ quận đã xây dựng Chương trình số 07-CTr/QU ngày 6/8/2021 về "tiếp tục đẩy mạnh CCHC, sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị"; Thành lập Ban chỉ đạo chương trình, tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn quận; Đặc biệt đề cao vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành.

Theo đó, UBND quận cũng đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành để triển khai công tác CCHC, năm 2023, tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể đội ngũ cán bộ của các đơn vị để tổ chức thực hiện. Đồng thời, công tác kiểm tra công vụ, duy trì kỷ luật kỷ cương hành chính các đơn vị cũng được quận triển khai ngay từ đầu năm 2023.

Cũng theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, thời gian tới, Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành nội bộ của UBND quận, phường; Triển khai sử dụng tốt phần mềm quản lý do thành phố cung cấp (Hệ thống quản lý văn bản điều hành; Hệ thống thông tin báo cáo liên thông; Hệ thống tiếp nhận thông tin, phản ánh kiến nghị của công dân, tổ chức); Tiếp tục tổ chức thực hiện dự án số hóa tài liệu lưu trữ của UBND quận. Đặc biệt, quận tiếp tục duy trì sử dụng hệ thống ISO điện tử quận để quản lý các quy trình theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 trong hoạt động của các cơ quan chuyên môn thuộc quận…

Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội - ông Đặng Đức Mai cho rằng: “Người đứng đầu và cấp ủy đóng vai trò rất quan trọng trong việc huy động nguồn lực xã hội để thực hiện thành công chuyển đổi số của Hà Nội. Người đứng đầu và cấp ủy đảm bảo sự lãnh đạo mạnh mẽ và hiệu quả trong suốt quá trình chuyển đổi số, là một quá trình liên tục, lâu dài, không điểm dừng.

Người đứng đầu và cấp ủy là cấp ra chính sách, ra thể chế, hình thành môi trường thân thiện với công nghệ và kinh tế số, bằng cách đưa ra các chính sách và quy định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động kinh tế số.

Việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo ra nhiều doanh nghiệp mới, doanh nghiệp số, doanh nghiệp kỳ lân cho Hà Nội, tạo thêm nhiều nguồn lực tài chính là chức năng của người đứng đầu và cấp ủy; Hỗ trợ và động viên các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động kinh tế số, hỗ trợ và động viên các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động kinh tế số, đồng thời tạo ra cơ hội và sự thúc đẩy để họ có thể tăng cường hoạt động kinh doanh của mình thông qua công nghệ và kinh tế số”.

Như vậy, nếu có sự chung tay của toàn xã hội nhất là những người đứng đầu trong việc thực hiện, kiểm tra các hoạt động lĩnh vực khi tích hợp chuyển đổi số thì sẽ là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.